Kết nối, nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng không gian khởi nghiệp cho sinh viên
Với mong muốn kết nối, tạo nền tảng kiến thức giúp SV khởi nghiệp cùng hợp tác, hỗ trợ và phát triển, không gian khởi nghiệp được thành lập...
Mở ra sáng tạo
Để phát triển ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, kết nối với doanh nghiệp nhằm định hình nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, Trung tâm Phát triển phần mềm (SDC) - Đại học Đà Nẵng đã mở ra không gian mở, nơi thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên lĩnh vực khoa học máy tính.
Qua đó, giảng viên, sinh viên có môi trường thực tập, nghiên cứu; kết nối với các nhân sự đến từ trường đại học, người có kinh nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp, chuyên gia giàu kinh nghiệm lĩnh vực đổi mới sáng tạo… cùng chia sẻ, phát triển ý tưởng cho sinh viên.
Hoạt động từ tháng 4/2023, “Không gian thực tập và nghiên cứu sáng tạo” của SDC mở cửa cho giảng viên, sinh viên, học sinh có nhu cầu nghiên cứu, thực tập, trải nghiệm và hiện thực hóa các ý tưởng khoa học. Đây cũng là nơi doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của giảng viên, sinh viên nhà trường, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác.
TS Nguyễn Hà Huy Cường – Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) cho hay, được gọi là “Không gian thực tập và nghiên cứu sáng tạo” bởi đây là trung tâm đón sinh viên ở các trường đến thực tập và khởi nghiệp theo ý tưởng của mình.
Theo TS Cường, để thực hiện không gian sáng tạo đối với ngành công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất là một trong những hoạt động được trung tâm thực hiện hằng năm. Qua đó, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức dạy học.
“Nơi đây có phòng quản lý dự án, thực hành sáng tạo, giới thiệu sản phẩm công nghệ. Trong những phòng này, vai trò của giảng viên là hỗ trợ học sinh, sinh viên quản lý ý tưởng và xây dựng kế hoạch khởi nghiệp. Chúng tôi có thể cung cấp mentorship (những người có kinh nghiệp như giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp – PV) đến chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn công nghệ và các phương pháp phát triển ý tưởng đưa ra sản phẩm”, TS Nguyễn Hà Huy Cường cho hay.
Không những vậy, tại không gian này có thể tạo ra các khóa học, buổi hướng dẫn và hội thảo để sinh viên nắm rõ hơn quy trình khởi nghiệp, công nghệ mới và các nguyên tắc quản lý khởi nghiệp. Từ đó khuyến khích sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu sáng tạo trong lĩnh vực khoa học máy tính, hỗ trợ chuyển đổi ý tưởng, tạo ra môi trường làm việc, học hỏi lẫn nhau.
Trong năm học 2022 - 2023, và học kỳ I năm học 2023 - 2024, Trung tâm đã triển khai hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học với sự tham gia của hơn 100 sinh viên đến từ nhiều khóa học và độ tuổi ngày càng trẻ.
Phần lớn sản phẩm các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp cùng đề tài có hàm lượng khoa học, giúp sinh viên thỏa mãn niềm vui sáng tạo.
“Nhịp cầu” kết nối
Chỉ trong 1 năm đi vào hoạt động, có hơn 100 lượt sinh viên tham gia học tập, thực tập và nghiên cứu tại không gian sáng tạo của SDC. 10 - 15% ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ và những sinh viên có ý tưởng này được doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức lương cao.
Trung Đức Trọng – cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đang làm việc tại Công ty thương mại Techzen cho biết, khi là sinh viên thường đến SDC bởi có các trang thiết bị hiện đại. Tại đây, sinh viên có thể trao đổi ý tưởng, gặp gỡ người chung đam mê và sẽ có những dự án khởi nghiệp ra đời trong tương lai.
“Gọi là không gian sáng tạo bởi nơi đây chúng em có thể đưa ra ý tưởng sáng tạo và đặc biệt được những mentor hướng dẫn phát triển ý tưởng để có thể ứng dụng vào cuộc sống hiệu quả”, Trọng chia sẻ.
Còn Nguyễn Khắc Thịnh – cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho hay, không gian sáng tạo đã gợi ý cho em nhiều hướng để lựa chọn đề tài; đề tài có hướng chuyên môn cao dễ phát triển để làm đồ án tốt nghiệp. Thời gian thực tập được các mentor chỉ dẫn nhiều định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội trúng tuyển làm việc tại các công ty lớn hơn.
Không chỉ đơn thuần phát triển ý tưởng khởi nghiệp, đây cũng là nơi kết nối các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đến hỗ trợ đào tạo, giao lưu học tập và “đặt hàng” sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. ThS Lê Duy Linh – Giám đốc Công ty TNHH Techzen cho hay: ‘Với mục tiêu gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động, chúng tôi đã phối hợp các trung tâm, đơn vị khởi nghiệp sáng tạo ở thành phố để xây dựng những chương trình thực tập nghề nghiệp, qua đó tuyển dụng được sinh viên ưu tú”.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, TS Nguyễn Hà Huy Cường cho hay, Trung tâm luôn ưu tiên nguồn lực, thành lập bộ phận chuyên trách về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng không gian sản xuất - chế tạo phục vụ cho các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo;
thúc đẩy phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học; tổ chức và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; thiết lập một hệ sinh thái các trung tâm đổi mới sáng tạo và phòng ban chức năng phục vụ hoạt động đào tạo, tìm kiếm, hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng của sinh viên, hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp tài chính ban đầu, nuôi dưỡng các dự án của sinh viên có tiềm năng, tập trung vào một số lĩnh vực phù hợp nguồn lực nhà trường và định hướng của địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng các nhóm sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm theo đuổi dự án tiềm năng trong khoảng thời gian đủ lớn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nhằm tận dụng nguồn lực về chuyên gia trong hoạt động tập huấn, ươm tạo, quản trị dự án khởi nghiệp”, TS Nguyễn Hà Huy Cường – Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh.