Kết nối phát huy tiềm năng của 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận
3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều nét tương đồng về tiềm năng, lợi thế. Cả 3 địa phương này đang liên kết để phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho khu vực miền Trung.
Ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận có đường bờ biển gần 700km và vùng biển rộng lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, ven biển. Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nơi đây có vai trò động lực thúc đẩy phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Khu vực này có nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực như hàng hải, nuôi trồng - khai thác thủy sản, công nghiệp đóng tàu, dịch vụ du lịch...
Lâu nay, sự liên kết giữa 3 địa phương này vẫn còn lỏng lẻo, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là lĩnh vực du lịch. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, 2 tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với văn hóa Chăm. Nếu giữa 3 địa phương, doanh nghiệp có sự liên kết tốt sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch.
"Du khách bao giờ cũng tìm tòi cái mới. Những cái ở Ninh Thuận mà Khánh Hòa lại không có, những cái ở Khánh Hòa, Ninh Thuận có thì lại ở Phú Yên không có. Cho nên tour khách 5 ngày, họ có thể kéo đến 10-15 ngày. Hiện nay, chính sách nhà nước đã cởi mở, có thể phát triển bền vững' - ông Vinh cho biết thêm.
Hiện nay, khoảng cách phát triển cả về kinh tế - xã hội lẫn đời sống người dân giữa Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận còn tương đối lớn. Các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương đều có sự trùng lặp, dẫn đến cơ cấu đầu tư dàn trải. 3 địa phương liền kề nhưng địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi, núi, đèo dốc. Các địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện dự án giao thông theo trục dọc để tháo gỡ khó khăn này.
Ngoài Quốc lộ 1A, dự án cao tốc Bắc - Nam qua 3 tỉnh đang khẩn trương thi công, dự kiến sẽ thông suốt vào đầu năm 2026. Các tỉnh này cũng đang đầu tư xây dựng các dự án đường ven biển.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, giao thông đường bộ rút ngắn thời gian di chuyển sẽ giúp liên kết các sản phẩm giữa 3 địa phương thuận lợi hơn.
Theo ông Đông: "Cao tốc xong, Quốc lộ 1A hiện có rồi, còn đường ven biển thì qua nửa nhiệm kỳ sau sẽ hoàn thành. Khi 3 tuyến này hình thành, lưu thông hàng hóa giữa 3 tỉnh sẽ thuận tiện hơn, đặc biệt giữa Khu kinh tế Nam Phú Yên với Khu Kinh tế Vân Phong, tạo cú hích cho khu vực miền Trung phát triển. Đó là công nghiệp gắn với khai thác lợi thế cảng biển, phát triển du lịch nhờ kéo được du khách".
Hiện nay, Khánh Hòa đang triển khai các Nghị quyết của Trung ương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên liên kết, hợp tác để phát triển.
Vừa qua, 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác trong 7 ngành, lĩnh vực trọng tâm, gồm: công nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch, văn hóa; giao thông vận tải; y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh - quốc phòng.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, các điểm nghẽn dần được tháo gỡ, 3 địa phương cần hợp tác, liên kết có chiến lược rõ ràng để phát huy thế mạnh của từng tỉnh và của cả 3 tỉnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
"Khánh Hòa cơ bản khách có nghỉ lại 2-3 đêm vì có chỗ chơi. Ngoài các việc chung, việc riêng của từng tỉnh là phải cố gắng tạo ra những sản phẩm của du lịch nhiều hơn nữa. Đây là điểm nghẽn của những tỉnh, trong đó có Ninh Thuận" - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các địa phương này cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 để nhận diện đúng cơ hội hợp tác giữa các địa phương; hình thành chuỗi giá trị liên kết phát triển tiềm năng của mỗi tỉnh cũng như cả vùng. Để phát huy hiệu quả quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tỉnh nên lập kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch và tập trung triển khai các dự án, công trình trọng điểm của từng tỉnh cũng như các dự án liên kết vùng.
Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị, trước mắt, các tỉnh chủ động nghiên cứu, phối hợp với bộ ngành trung ương đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn để tạo động lực phát triển.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông: "Các tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế biển thông qua nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Các tỉnh cần rà soát, điều chỉnh phân chia các khu chức năng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không tại 3 tỉnh để tăng cường liên kết, hạn chế tối đa sự cạnh tranh trong phân bổ và thu hút các nguồn lực".