Kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng
Hội nghị kết nối thị trường sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm đặc trưng vừa được Sở Công Thương 2 tỉnh Bình Thuận và Trà Vinh phối hợp tổ chức với kỳ vọng mở thêm kênh tiêu thụ hướng đến người tiêu dùng nội địa…
Kết nối thị trường cho sản phẩm
Diễn ra vào thời điểm cuối năm 2020 tại TP. Phan Thiết, dù hội nghị lần này chỉ thu hút 34 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của 2 tỉnh tham gia, nhưng sản phẩm trưng bày giới thiệu thì không lẫn vào đâu. Bởi tất cả sản phẩm góp mặt đều thể hiện tính “đặc trưng” như với Bình Thuận là thanh long và các sản phẩm từ thanh long, phong phú chủng loại nước mắm truyền thống, mủ trôm, nhân hạt điều, bánh rế… Đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh cũng cho thấy sự đa dạng về sản phẩm đặc trưng, trong đó chủ lực có dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa, lúa gạo, trái cây và rau màu, tôm sú, cá tra, bánh tráng…
Thế nên việc kết nối giao thương giữa các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh cũng nhằm hướng đến hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với Hội nghị kết nối thị trường sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm đặc trưng giữa Trà Vinh và Bình Thuận còn là hoạt động triển khai theo chương trình hợp tác phát triển ngành công thương khu vực các tỉnh, thành phía Nam… Ông Biện Tấn Tài - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, đây cũng là dịp để ngành chức năng 2 địa phương gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, xúc tiến thương mại và các lĩnh vực có liên quan.
Với Bình Thuận, ngoài các sản phẩm nêu trên thì địa phương còn có lợi thế về sản xuất, chế biến hàng thủy sản (đông lạnh và khô), mặt hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ, mủ cao su… Bên cạnh tiêu dùng nội địa, hiện hàng hóa của Bình Thuận đã tham gia xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh, đến nay mạng lưới phân phối cũng phát triển rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, miền núi, hải đảo với 137 chợ truyền thống, 3 siêu thị Coop.mart, 1 trung tâm thương mại Lotte. Bên cạnh đó còn có 3 cửa hàng Coopfood, 50 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 cửa hàng Vinmart+… kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trong khi đó với những sản phẩm chủ lực, Trà Vinh chú trọng nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, quyết tâm xây dựng và phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tập trung phát triển ngành nuôi tôm công nghiệp và cá tra, đa dạng sản phẩm từ dừa sáp Cầu Kè - đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh…
Thông qua hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của 2 tỉnh đã giao lưu, tìm hiểu khả năng sản xuất - cung ứng - tiêu thụ hàng hóa của nhau. Nhất là với những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của Trà Vinh và Bình Thuận để qua đó tìm kiếm đối tác, xúc tiến bàn bạc, thỏa thuận nội dung, thống nhất phương thức hợp tác kinh doanh trong thời gian tới… Hơn nữa trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, hoạt động kết nối giao thương càng thêm ý nghĩa vì góp phần mở ra hướng phát triển cũng như khai thác hiệu quả thị trường nội địa giữa 2 địa phương.