Kết nối thông tin về những vấn đề mới trong kinh tế

Trong hai ngày 26 và 27/11/2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc tế thường niên lần thứ 2 với chủ đề: 'Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh'.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam tiệm cận các quan điểm đương đại trong kinh tế

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam tiệm cận các quan điểm đương đại trong kinh tế

Đây được coi là cơ hội gia tăng kết nối giữa các chuyên gia kinh tế Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế, quản trị và kinh doanh, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu.

Hội thảo quốc tế lần này được xem là sự kiện lớn nhất từng được trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức về nghiên cứu kinh tế vĩ mô, với sự tham gia của các nhà khoa học từ 15 quốc gia trên thế giới như: Đức, Anh, Úc, Nhật, Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan... Có thể kể đến như GS. Robin Mason - Đại học Birmingham, Vương quốc Anh; GS. Benyayer Louis-David – Trường Kinh Doanh ESCP-EUROPE; GS. Raynouard Arnaud - Đại học Paris Dauphine, Pháp; GS. Sarath Delpachitra – Tổng biên tập Australian Economic Paper; GS. Toshio Ogata – Đại học Chuo, Nhật Bản.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc, hội thảo là hoạt động thường niên được trường tổ chức nhằm thúc đẩy và chia sẻ các hoạt động nghiên cứu mới nhất. Phần lớn các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo mang tính chất học thuật, không phải là những vấn đề nghiên cứu trực tiếp về Việt Nam.

“Tuy nhiên những nghiên cứu này đều có thể vận dụng được như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; các xu hướng mới trong kinh tế và khoa học xã hội; phát triển kinh tế bền vững từ những hành động thực tiễn” – ông Chương nói.

Đối với Việt Nam, những nghiên cứu này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách hiểu được kinh nghiệm quốc tế, từ đó có những nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình.

Tại 11 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh, nhiều vấn đề đương đại của kinh tế thế giới đã được các chuyên gia đề cập. Một trong những vấn đề đó là việc vận dụng dữ liệu lớn (big data) trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. Ví dụ như tại Mỹ, cơ quan quản lý có dữ liệu dân cư đầy đủ, từ đó phổ biến tới các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra chính sách phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người dân.

Trong khi đó theo các chuyên gia, tại Việt Nam, kho dữ liệu còn rất hạn chế, muốn nghiên cứu phải đòi hỏi nền tảng công nghệ rất lớn. Tuy nhiên, để phục vụ người dân tốt hơn thì việc xây dựng big data là việc cần thiết, phải đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Điều cần nhấn mạnh ở đây là, hệ thống dữ liệu của Việt Nam cũng như báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam phải được công khai minh bạch để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu.

GS. Robin Mason, Phó hiệu trưởng Đại học Birmingham, Vương quốc Anh nhận xét, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh và mạnh, khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân đều có bước chuyển biến mạnh mẽ nên đã dần tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, các vấn đề trong phát triển kinh tế cần có những cái nhìn mới mẻ hơn để có những bước phát triển đột phá hơn nữa, nhưng “đây sẽ là hành trình dài, không phải một sớm một chiều” - GS. Robin Mason lưu ý.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-thong-tin-ve-nhung-van-de-moi-trong-kinh-te-128974.html