Kết nối, thu hút đầu tư, hợp tác của các công ty công nghệ Hoa Kỳ vào Việt Nam
ARM - công ty cung cấp công nghệ vi xử lý cho khoảng 95% điện thoại thông minh và các hệ điều hành phần mềm trên toàn thế giới đang nghiên cứu phương án mở văn phòng tại Việt Nam, trong khi Marvell - công ty hàng đầu về thiết kế chip của Hoa Kỳ cũng có dự kiến mở rộng hơn nữa các trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam...
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có các cuộc làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley và một số tập đoàn, công ty Hoa Kỳ nhằm trao đổi về tình hình kết nối, thu hút đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Đẩy mạnh kết nối các cơ hội đầu tư, hợp tác đổi mới sáng tạo, công nghệ tại Việt Nam
Ngày 22/6/2024 (theo giờ địa phương) tại San Francisco (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley. Dự buổi làm việc có có ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco.
Tại buổi làm việc, đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley đã báo cáo tổng kết hoạt động Mạng lưới trong một năm như triển khai các dự án triển khai VINSV-NIC; những khó khăn, đề xuất và kế hoạch giai đoạn tới. Ngoài ra, các thành viên Mạng lưới cũng giới thiệu về xu thế AI tại Silicon Valley và các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực AI.
Các thành viên của Mạng lưới đã trao đổi, thảo luận một cách rất thẳng thắng, tâm huyết về triển khai các hoạt động của Mạng lưới, cũng như hiến kế cho Việt Nam phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nỗ lực phối hợp, kết nối của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley trong thời gian qua, đặc biệt sự tham gia của các thành viên Mạng lưới trong các chương trình, đề án lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) như: Đề án Phát triển Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 định hướng đến năm 2050; Đề án Trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng AI; Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam...
Đây là những Đề án lớn, quan trọng cho Việt Nam, sẽ tạo ra hàng chục nghìn các kỹ sư công nghệ, kỹ sư AI phục vụ cho nhu cầu tương lai.
“Sự tham gia đóng góp của các bạn cùng sự triển khai mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Bộ ngành chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả cụ thể, thực tiễn, có ích cho Việt Nam trong dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đối với các hoạt động, dự án đang triển khai tại Trung tâm như về đào tạo bán dẫn, đào tạo AI..., Bộ trưởng đề nghị các thành viên Mạng lưới đẩy mạnh kết nối với các chuyên gia hàng đầu thế giới, các Viện/Trường có khả năng hợp tác, cung cấp, chuyển giao các chương trình đào tạo và các đơn vị, tổ chức (Đơn vị ươm tạo, tăng tốc; Quỹ đầu tư; các Tổ chức Khoa học công nghệ,...) có các nguồn lực phù hợp có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ hiện nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang đưa vào vận hành cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc quy mô gần 20.000m2 với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các đối tác hoạt động tại Trung tâm. Bộ trưởng đề nghị các thành viên Mạng lưới phối hợp Trung tâm kết nối các đối tác công nghệ lớn của Mỹ, quan tâm đến thị trường Việt Nam, có thể thiết lập các đơn vị nghiên cứu, văn phòng, phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất tại NIC Hòa Lạc.
Bộ trưởng cũng đề nghị Mạng lưới tiếp tục kết nối để mở rộng sự tham gia của các thành viên mới, không chỉ giới hạn trong nhóm đã có kết nối mà cần mở rộng các chuyên gia, trí thức người Việt và quốc tế quan tâm và muốn tìm hiểu về thị trường, các cơ hội đầu tư, hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ tại Việt Nam; trên cơ sở mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.
ARM Holdings nghiên cứu mở văn phòng tại Việt Nam
Sáng 23/6/2024 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Will Abby, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc kinh doanh Công ty ARM Holdings cùng đại diện cấp cao một số cơ sở ARM tại Silicon Valley và Hàn Quốc.
ARM Holdings được thành lập năm 1990 tại Anh với tên gọi Advanced RISC Machines Ltd., là liên doanh của 3 tập đoàn công nghệ lớn gồm Acorn Computers, Apple Computer (nay là Apple Inc.) và VLSL Technology. Năm 2016, Tập đoàn viễn thông Softbank (Nhật Bản) đã mua lại ARM với giá 32 tỷ USD.
Hiện nay ARM hoạt động chủ yếu tại Hoa Kỳ. Tháng 9/2023, ARM đã IPO tại Hoa Kỳ với giá trị vốn hóa ban đầu là 65 tỷ USD và đây là thương vụ IPO lớn nhất tại Hoa Kỳ trong năm 2023 (có sự tham gia mua cổ phiếu ARM từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google, Nvidia, Samsung, AMD, Intel và TSMC). Tính đến tháng 6/2024, giá trị vốn hóa của ARM đã tăng lên 165 tỷ USD, doanh thu năm 2024 là 3,2 tỷ USD.
Ông Will Abby, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc kinh doanh, cho biết công nghệ của ARM hiện diện trong hơn 95% điện thoại thông minh và các hệ điều hành phần mềm trên toàn thế giới. 70% dân số thế giới sử dụng sản phẩm dựa trên chip của ARM. Hiện nay, ARM đang độc quyền về kiến trúc chip (các doanh nghiệp thiết kế chip đều phải sử dụng kiến trúc chip của ARM). Các doanh nghiệp về thiết kế chip tại Việt Nam đều là khách hàng của ARM và đang do bộ phận ARM Hàn Quốc phụ trách. ARM hiện chưa có đại diện, văn phòng tại Việt Nam. ARM đang nghiên cứu phương án mở văn phòng tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có định hướng cụ thể.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15 nghìn kỹ sư thiết kế. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có ARM.
Bộ trưởng đề nghị ARM nghiên cứu, sớm có kế hoạch hợp tác đầu tư tại Việt Nam; hợp tác với Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kết nối các đối tác của ARM tại châu Á và trên thế giới để đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, đề nghị ARM sớm mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị ARM phối hợp NIC để hỗ trợ 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam trong đào tạo thiết kế chip, tổ chức khóa đào tạo giảng viên (Train the Trainer) để đào tạo cho các giảng viên; hỗ trợ bản quyền phần mềm của ARM để phục vụ đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Đề nghị ARM phối hợp với NIC phát triển Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung phục vụ đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế chip; hỗ trợ cho các start-up của Việt Nam phát triển thiết kế chip sử dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ của ARM; ARM giới thiệu các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới đến mở rộng hoạt động tại Việt Nam với nguồn nhân lực tài năng dồi dào.
Marvell dự kiến mở rộng hoạt động thiết kế vi mạch tại Việt Nam trong thời gian tới
Tại Công ty Marvell, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với ông Mitch Gaynor, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Hành chính; ông Will Chu, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc, Bộ phận Điện toán và Lưu trữ Tùy chỉnh; ông Son Hong Ho, Phó chủ tịch cấp cao, Điện toán tùy chỉnh và lưu trữ; ông Đàm Quang Lê, Giám đốc Marvell Việt Nam.
Marvell là công ty hàng đầu về thiết kế chip của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1995, công ty có hơn 6.500 nhân viên tính đến năm 2024, với hơn 10.000 bằng sáng chế trên toàn thế giới và doanh thu hàng năm là 5,5 tỷ USD, được định giá khoảng 160 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động kể từ năm 2013. Sau 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt Nam, Công ty hiện có khoảng 400 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử. Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở TP. Hồ Chí Minh.
Marvell hiện đang xây dựng Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với khoảng 400 kỹ sư và dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Qua đây, các kỹ sư của Marvell Việt Nam được tham gia vào hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau và được làm việc với những công nghệ mới nhất, thậm chí là những dự án 3 và 2 nano.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế.
Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, trong đó có Marvell.
Bộ trưởng mong muốn Marvell mở rộng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để biến Việt Nam thành cứ điểm quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Marvell. Đề nghị Marvell tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Marvell nghiên cứu mở văn phòng đại diện, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, hợp tác nghiên cứu và giới thiệu công nghệ mới.
Bộ trưởng cũng mong muốn Marvell hỗ trợ, phối hợp với NIC phát triển Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung phục vụ đào tạo, ươm tạo trong lĩnh vực thiết kế chip; phối hợp với NIC triển khai và mở rộng chương trình học bổng Marvell Excellence Scholarship tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy các chương trình thực tập tại Marvell Việt Nam và Marvell tại các khu vực khác cho sinh viên Việt Nam.
Đề nghị Google thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam
Cùng ngày 23/6 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Kareen Ghanem, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách khu vực công, Tập đoàn Google.
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đến nay, Google đã đầu tư và hợp tác với Việt Nam phát triển các lĩnh vực: chuyển đổi số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hiện đang có kế hoạch sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Google đã hợp tác chặt chẽ với NIC để triển khai các Chương trình đào tạo nhân tài số và Chương trình ươm tạo doanh nghiệp trong thời gian qua. Các chương trình là hết sức có ý nghĩa, được cộng đồng các cơ sở đào tạo và sinh viên Việt Nam quan tâm và nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, riêng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, Việt Nam xếp trong nhóm 20 công ty hàng đầu thế giới về AI, nhiều kỹ sư AI gốc Việt đang làm việc tại Google AI.
Bộ trưởng đề nghị Google tiếp tục nâng tầm quan hệ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Google lên hợp tác chiến lược toàn diện, thông qua thúc đẩy các dự án đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam và hợp tác với NIC. Đề nghị Google cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NIC xây dựng và phát triển Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển về AI của Google và NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; phát triển các không gian phát triển sản phẩm kỹ thuật số và nội dung số tại các cơ sở của NIC.
Bộ trưởng cũng mong muốn Google tục phối hợp với NIC triển khai các chương trình Phát triển nhân tài số (GCC) và Ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (GFS) hiệu quả tại Việt Nam; mở rộng các chương trình của Google nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế số và hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.