Kết nối tiêu thụ cho nông sản của phụ nữ vùng cao

Hơn 30 đơn vị doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể và các hộ kinh doanh tiêu biểu đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình với gần 100 sản phẩm, mặt hàng trưng bày, giới thiệu.

Các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình vừa phối hợp với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức sự kiện kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm với chủ đề “Phụ nữ Hòa Bình hội nhập, phát triển kinh tế bền vững”.

Hơn 30 đơn vị doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) và các hộ kinh doanh tiêu biểu đến từ 10 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình với gần 100 sản phẩm, mặt hàng trưng bày, giới thiệu.

Doanh nghiệp tham gia chương trình được cung cấp thông tin về hướng dẫn chào hàng, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đối với nhà cung cấp, để các đơn vị, doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tiến tới trở thành nhà cung cấp cho hệ thống.

Bà Hoàng Thị Duyên - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình chia sẻ, một trong những hoạt động luôn được Hội quan tâm và tập trung hỗ trợ đó là hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm giúp chị em phụ nữ có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất và phát triển sản phẩm phù hợp với địa phương và khả năng cung ứng của đơn vị, gia đình.

Tham gia hội chợ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương đến khách hàng trong nước và người nước ngoài thông qua hệ thống phân phối từ các doanh nghiệp thu mua, qua đó mở ra hướng đi mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống phân phối rộng lớn, tạo đà cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại sự kiện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại sự kiện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sự kiện kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm góp phần phát huy sức mạnh của cộng đồng và vai trò làm chủ của người phụ nữ trong tiến trình phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện các sáng kiến phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ, và thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên diện rộng hơn, hiện ở Việt Nam đang có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững.

Thực tế, tại Việt Nam có hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn…

Các doanh nhân nữ cũng gặp hạn chế tiếp cận tài chính, chưa bình đẳng trong tiếp cận thị trường, thiếu kỹ năng và đào tạo. Mặt khác, họ vẫn còn đối mặt với định kiến xã hội và phân biệt đối xử.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-noi-tieu-thu-cho-nong-san-cua-phu-nu-vung-cao/341011.html