Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam: 'Vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó, kể cả 12 giờ đêm'
Các tỉnh phía Nam cần tạo điều kiện cho các đơn vị đứng vững yên tâm sản xuất trong thời điểm dịch bệnh, vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó nhằm giúp các bên kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được thường xuyên liên tục, vừa đảm bảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Chiều 31/7, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thủy sản".
Gà rớt giá, cá khó tiêu thụ...
Theo phản ánh của các doanh nghiệp và địa phương tại hội nghị, nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đang bị giảm giá mạnh, bị tồn đọng với khối lượng lớn.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty San Hà chia sẻ, năm nay do giá thức ăn tăng cao nên giá thành gà trắng nuôi trong chuỗi liên kết của công ty lên tới 25.000 - 26.000 đồng/kg. Khi dịch bệnh bùng phát, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực phải giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà trắng giảm tới một nửa bởi hàng loạt nhà máy đóng cửa, sinh viên, học sinh cũng đang phải nghỉ ở nhà. Cộng với những khó khăn trong khâu lưu thông, giá gà trắng trên thị trường đã giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/kg...
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, giá các sản phẩm đầu ra trên địa bàn đang giảm, nhiều mặt hàng tồn đọng khối lượng lớn như 2 triệu con gà lông màu chưa tiêu thụ được. Về sản lượng thủy sản, mỗi tuần có 500 tấn tôm đến kỳ thu hoạch ở Long An, nhưng các huyện trọng điểm nuôi tôm lại đều đang là vùng dịch, do đó gần như không có thương lái đến thu mua...
Không chỉ rớt giá, tồn đọng hàng hóa, hiện nay việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tạm ngừng hoạt động hay thiếu hụt nhân công trầm trọng do dịch bệnh cũng đang tác động không nhỏ tới tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi, thủy sản quy mô hàng hóa ở các tỉnh phía Nam; đồng thời ảnh hưởng xấu tới khả năng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Điển hình ở Long An, hiện chỉ còn 28/44 cơ sở giết mổ còn hoạt động, khiến cho sản lượng giết mổ có kiểm soát giảm mạnh.
Kiến nghị đến Tổ công tác 970, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp đang rất "sốc" khi tỉnh Tiền Giang ra công văn tạm dừng sản xuất "3 tại chỗ". Theo Công ty Vạn Đức, việc này làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, trong khi việc sản xuất "3 tại chỗ" mới chỉ đạt 50% công suất, nếu dừng hẳn sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng; cá tra nuôi quá lứa không bán được, doanh nghiệp phải đền hợp đồng. Từ thực tế đó, Công ty Vạn Đức kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có ý kiến đến Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang để công ty được tiếp tục sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Giao quyền chủ động cho các Sở NN&PTNT
TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho hay, gà trắng ở Nam Bộ đang ứ đọng với số lượng rất lớn, nếu kéo dài nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ gà trắng cần phải giải quyết ngay những điểm nghẽn trong khâu lưu thông và giết mổ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, do dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nên các địa phương đã có chỉ đạo phải thắt chặt việc hạn chế đi lại, do đó sẽ ảnh hưởng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay, nhiều sở NN&PTNT đã thành lập đường dây nóng phối hợp với các sở giao thông vận tải, sở y tế để tháo gỡ khó khăn khi có yêu cầu của doanh nghiệp, theo tinh thần vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó, kể cả 12 giờ đêm.
Tổ công tác 970 đề nghị sở NN&PTNT 19 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; phản ánh, giúp tỉnh gỡ khó trong lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua, thu hoạch nông sản, thủy sản, thông báo ngay các vấn đề phát sinh đến ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh để giải quyết kịp thời, triệt để. Qua đó, Tổ công tác 970 đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ, khắc phục khó khăn ngắn hạn để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong thời hạn quy định nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh, hướng tới mục tiêu ổn định dài hạn.
Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phía Nam đề nghị giao quyền chủ động cho sở NN&PTNT để cùng phòng nông nghiệp các huyện lập danh sách các công nhân lao động tại các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, nông dân tham gia thu hoạch trên đồng ruộng … , tạo điều kiện để họ tiếp tục tham gia sản xuất bình thường, đảm bảo các yêu cầu chống dịch. Qua đó, giúp cho việc thu hoạch nông sản ở các địa phương không bị gián đoạn, các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến, đóng gói thực phẩm tiếp tục duy trì sản xuất...
Liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, sở đã có báo cáo tỉnh sau khi nhận được các kiến nghị của doanh nghiệp chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, UBND tỉnh Tiền Giang cũng thống nhất xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu an toàn cho hoạt động tiếp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng khẳng định, đã trao đổi với UBND tỉnh Tiền Giang về sản xuất "3 tại chỗ", với quan điểm doanh nghiệp nào đáp ứng tốt yêu cầu sẽ cho tiếp tục sản xuất.