Kết nối, tiêu thụ nông sản quê hương
Gian hàng nhỏ ở địa chỉ 368 - đường 17/8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) của chị Phúc Thị Hương giờ trở thành địa chỉ để nhiều cơ sở, hợp tác xã lựa chọn để kết nối, giới thiệu sản phẩm của quê hương.
Gia đình chị Hương từ lâu đã có nghề làm thịt chua - món ăn đặc sản người Tày. Từ 4 năm trước, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng này khá nhiều, chị Hương chủ động đem sản phẩm đi kiểm nghiệm và được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đảm bảo, khách hàng tin dùng, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh chị mở rộng ra thêm nhiều sản phẩm khác như nem chua, nem nắm, xúc xích tươi, pa - tê… Chưa có điều kiện mở cửa hàng, chị Phúc Thị Hương chọn cách giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và vận chuyển hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Theo chị Phúc Thị Hương, sản phẩm của gia đình chủ yếu làm từ thịt lợn đen, được đặt hàng trực tiếp từ các cơ sở chăn nuôi tại Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa và Yên Sơn, nên người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.
Nhiều nông sản sạch như bắp cải của HTX dịch vụ nông nghiệp Khau Tinh (Na Hang)được bày bán tại cửa hàng của gia đình chị Phúc Thị Hương.
Đầu năm 2020, khi đã có một lượng khách hàng ổn định, đồng thời, mong muốn được trở thành điểm kết nối với các sản phẩm của người nông dân các xã vùng cao của Na Hang, Lâm Bình, vợ chồng chị Hương quyết tâm mở một cửa hàng thực phẩm sạch, ngoài bày bán sản phẩm của gia đình, sẽ tiêu thụ, đặt hàng các nông sản vùng cao. Chỉ sau chưa đầy một tháng khai trương, cửa hàng đã kết nối, tiêu thụ nhiều sản phẩm như rau VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khau Tinh; chè Shan Na Hang của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang); cá tép dầu Thượng Lâm, chè Shan Thổ Bình (Lâm Bình)… Đồng thời, nhờ mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp sản xuất gạo sạch tại Hà Nội, Nam Định cũng đã kết nối với cửa hàng và đem hàng đến giới thiệu, bày bán. Thị phần của cửa hàng cũng đã mở rộng hơn, không chỉ gói gọn là cung cấp cho người dân thành phố Tuyên Quang, mà đã bắt đầu có thêm khách hàng từ các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…
Chị Hương nhớ như in, trong đợt nắng nóng cao điểm giữa tháng 5, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, nhưng anh Bí thư Đoàn xã Năng Khả (Na Hang) chạy xe máy từ quê tìm đến cửa hàng, đem theo 100 quả trứng gà ta mà anh đi gom của bà con trong bản và 20 chiếc làn làm bằng cây guột do chính những phụ nữ quê anh tự tay đan để nhờ cửa hàng chị trưng bày và giới thiệu sản phẩm giúp bà con. Hình ảnh anh Bí thư Đoàn xã rám nắng, nhễ nhại mồ hôi cuối giờ chiều hôm đấy càng thôi thúc chị theo đuổi mục tiêu của mình.
Doanh thu mỗi tháng của cửa hàng chị Hương đạt khoảng 100 triệu đồng, nhưng lãi chỉ khoảng 10%. Hiện, anh chị đang tiếp tục làm việc với các hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn các sản phẩm phù hợp và đã được chứng nhận nhãn hiệu để tiếp tục giới thiệu đến người tiêu dùng. Chị Phúc Thị Hương chia sẻ, chị khởi nghiệp thuận lợi hơn những người khác một chút, nên chỉ mong được góp sức mình, hỗ trợ, “giữ lửa” cho những thanh niên, phụ nữ dân tộc thiểu số theo đuổi ước mơ, đam mê của mình, có như vậy, những nghề truyền thống, những nông sản đặc sản từ các vùng quê mới có cơ hội được nhiều người tiêu dùng biết đến.