Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngư dân ở TX Sông Cầu thu hoạch ốc hương. Ảnh: KHANG ANH

Dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng. Thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cũng gặp những trở ngại nhất định. Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giải quyết đầu ra khi sản phẩm đến mùa thu hoạch… rất cần được các ngành, địa phương quan tâm.

Gặp khó trong sản xuất, tiêu thụ

Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương đưa ra những giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, nông dân trước tác động của dịch bệnh. Các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm; tham mưu tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Theo Sở NN-PTNT, những tháng đầu năm, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiêu thụ ổn định, một số mặt hàng có giá bán tăng. Các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm thị trường mới, duy trì đơn hàng nên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ nông sản 4 tháng đầu năm ước đạt 50,8 triệu USD. Tuy nhiên gần đây, do đại dịch COVID-19 bùng phát nên ngành Nông nghiệp chịu tác động mạnh mẽ, cả khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản đều gặp vướng. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng nên hoạt động sản xuất, kinh doanh có thời điểm bị gián đoạn, lợi nhuận của doanh nghiệp, người dân giảm; hoạt động thương mại trên địa bàn gặp khó do áp lực chi phí, thuế… Nông sản tiêu thụ ở thị trường nội địa là chính với số lượng hạn chế so với trước. Ví như sản phẩm bí đỏ của nông dân xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa mới đây bị rớt giá (chỉ còn 1.200-2.000 đồng/kg) do thương lái không mua.

Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 1.000ha hoa màu các loại được trồng theo mùa vụ. Qua nắm bắt thông tin từ các xã thì trong mùa thu hoạch nông sản sắp tới, người dân vẫn có đầu ra. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì nguy cơ tiêu thụ khó khăn, dẫn đến việc phát triển sản xuất sẽ không được như trước nên rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất là trong những thời điểm nông sản chín rộ…

Ở huyện Tuy An, theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, sản phẩm rau sạch được người dân xã An Hòa, An Hiệp trồng với diện tích khoảng 2-3ha; lúa có diện tích trồng nhiều và cũng có nguồn tiêu thụ ổn định; sắn, mía bán cho các nhà máy với mức giá cao/thấp tùy thời điểm và sản lượng nhiều hay ít. Còn chuối trồng trên đất đồi, có lúc bán giá cao, lúc khó tiêu thụ, chỉ bán được cho người dân trong tỉnh. “Tuy không nhiều nhưng do dịch COVID-19 nên thời gian gần đây, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn huyện Tuy An vẫn có những khó khăn; trong đó chủ yếu là các sản phẩm sản xuất theo mô hình mới, cây trồng mới nên còn khó về đầu ra”, ông Hùng nói.

Nhận định về những khó khăn liên quan đến thị trường tiêu thụ, xuất khẩu của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Với mặt hàng thủy sản, hiện có doanh nghiệp còn hàng tồn kho (sau thu mua) lên đến mấy ngàn tấn do chưa xuất khẩu được. Các doanh nghiệp, HTX, nông dân thì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có liên kết chuỗi, chưa tìm được thị trường tiêu thụ bền vững nên khó giải quyết đầu ra; với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay sẽ càng khó khăn hơn. Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân là các ngành có những chính sách hỗ trợ trong sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản.

Tăng cường hỗ trợ, kết nối

Liên quan đến thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong công tác quản lý, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các ngành có liên quan. Chính quyền các địa phương cần nắm bắt tình hình sản xuất tiêu thụ của người dân; thông tin, phối hợp với các ngành để có những định hướng, giải pháp xúc tiến tiêu thụ kịp thời; góp phần cùng với doanh nghiệp, bà con nông dân giải quyết đầu ra, hạn chế tình trạng bị ép giá...

Về phía địa phương, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nhận định: Đồng Xuân có sản phẩm sắn, mía nhiều nhưng đã tiêu thụ hết; còn dưa hấu nông dân đang thu hoạch và bán gần hết. Địa phương sẽ luôn theo sát hoạt động sản xuất của người dân để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc của bà con.

Còn theo Sở NN-PTNT, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng với tỉ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chiếm hơn 25% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Sản phẩm nông sản chủ yếu gồm: lúa gạo, mía đường, sắn, thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm gỗ, nuôi trồng và khai thác thủy sản…; phục vụ nhu cầu tiêu dùng và hoạt động mua bán, xuất khẩu của các doanh nghiệp, cơ sở gắn với thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu.

Với những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm túc theo lịch mùa vụ, chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết, dịch bệnh… để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản, diễn biến cung cầu thị trường để khuyến cáo người dân sản xuất hiệu quả. Đồng thời kiểm soát đối với hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi, tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/255802/ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep.html