Kết nối tình thân, vững lòng phòng, chống dịch bệnh

Cũng như các địa phương khác, tỉnh An Giang hiện có nhiều người sinh sống tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo nhiều diện khác nhau: học tập, làm ăn, xuất khẩu lao động, lập gia đình... Hướng về nơi đang có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người thân ở quê nhà không khỏi lo lắng. Trong tâm trạng đó, nhờ duy trì liên lạc nắm bắt những thông tin hàng ngày, cả đôi bên đều có thể yên tâm và động viên nhau cùng lạc quan chờ qua thời khắc khó khăn.

Chị Lê Thị Trúc Tâm trong khoảnh khắc bên gia đình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Các gia đình duy trì liên lạc với con hàng ngày để vững lòng

Giúp nhau ổn định tinh thần

Lo lắng là điều không thể tránh khỏi, nhưng sẽ không giải quyết được gì trong lúc này. Đó là việc ai cũng ý thức được khi đang ở cách xa gia đình và không thể biết trước điều gì xảy ra. Đều đặn mỗi chiều, bà Nguyễn Thị Lệ Thẳm (xã Hiệp Xương, Phú Tân, An Giang) luôn nóng lòng đến giờ hẹn con gái qua cuộc gọi video.

“Tính theo bên này thì khoảng 18 giờ nó về đến nhà, sinh hoạt ăn uống xong thì viết nhật ký ngày làm việc, sau đó gia đình mới “hội ngộ” trò chuyện. Nói yên tâm nhưng trong bụng cũng lo, dù con cho biết tình hình đang ổn” - bà Thẳm tâm sự.

Con gái của bà Thẳm là Lê Thị Ý Lan, tốt nghiệp đại học Anh văn sang Nhật Bản được 6 tháng, làm việc trong 1 công ty chế biến thức ăn nhanh. Ý Lan cho biết đang sống tại tỉnh Shizuoka, nơi em ở chỉ mới phát hiện 1 người nhiễm bệnh, hàng ngày học sinh vẫn đi học vui vẻ, còn người lớn làm việc bình thường.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang và giấy vệ sinh diễn ra tương tự các nơi khác, Ý Lan đến công ty được phát khẩu trang y tế cùng bảo hộ cần thiết, đo thân nhiệt, rửa tay thường xuyên.

Ý Lan cho biết, so thời điểm chưa có dịch bệnh với bây giờ, việc bảo vệ sức khỏe của mọi người kỹ hơn, cuộc sống không bị xáo trộn nhiều, chỉ lo lắng nếu dịch bệnh kéo dài, việc đi lại và sinh hoạt sẽ bất tiện.

Gia đình ông Phan Văn Thái (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) có 2 con gái đang đi làm theo hợp đồng có thời hạn ở Nhật Bản. Trong đó, con gái lớn đã làm việc hơn 2 năm, người em kế vừa sang hơn 4 tháng.

Ông Thái cho hay, mỗi ngày đều liên lạc qua cuộc gọi và yên tâm khi biết các con vẫn an toàn, làm việc bình thường, mọi sinh hoạt ổn định, dù xung quanh đã ghi nhận có người nhiễm bệnh. Ngược lại, các con khuyên ở quê nhà nên chủ động các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo, ở bất kỳ nơi nào, mỗi người tự bảo vệ sức khỏe an toàn cho bản thân chính là cách giúp nhau vững tâm tốt nhất.

Khác hẳn 2 trường hợp trên, gia đình ông Lê Văn Be (xã Phú Xuân, Phú Tân) có con gái lấy chồng ở Seoul (Hàn Quốc) đã 13 năm, sinh kế bằng xưởng may nhỏ của gia đình. Chị Lê Thị Trúc Tâm (con gái ông Be) cho biết, cách nơi ở không xa đã có người nhiễm bệnh nhưng tinh thần chung của mọi người đều bình tĩnh.

Bởi khi phát hiện trường hợp bị bệnh, trong vòng vài phút sẽ có xe đến đưa về nơi điều trị tập trung, những người tiếp xúc với bệnh nhân được cách ly, địa phương lập tức khuyến cáo không nên đến các khu vực cấm, định kỳ phát cho mỗi công dân 2 khẩu trang kháng khuẩn. Đến thời điểm này, cộng đồng người Việt cùng sinh sống ở chỗ chị Tâm chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh.

Nâng cao trách nhiệm vì cộng đồng

Ông Lê Văn Be trải lòng: “Những ngày đầu, vợ chồng tôi lo lắm, vận động con và cả gia đình tạm về đây tránh dịch nhưng nó nhất quyết ở lại vì cho rằng, khi dịch bệnh xảy ra thì đi đến đâu cũng có nguy cơ lây nhiễm hoặc ảnh hưởng đến người khác”.

Tương tự, em Đỗ Thị Kiều Loan (xã Tân Trung, Phú Tân) là du học sinh tại Hàn Quốc. Vừa nhập học sau Tết Nguyên đán, không bao lâu thì xảy ra dịch bệnh. Sinh sống ở vùng tâm dịch Deagu, khi dịch bệnh Covid-19 trở nên nghiêm trọng và trong trường học của em có người bị nhiễm bệnh, Loan cùng một số người bạn kịp di chuyển về vùng nông thôn để an toàn hơn.

Trong thời gian này, ngoài tránh dịch, các bạn còn làm việc thời vụ để có thu nhập. Loan chia sẻ ý định quyết tâm ở lại, vì nếu trở về Việt Nam có thể gặp nguy cơ lây nhiễm cao hơn trong quá trình di chuyển hoặc ảnh hưởng đến cộng đồng ở quê nhà. Những người trong cuộc khi chúng tôi tiếp xúc được đều có chung quan điểm này.

Ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh Covid-19, hầu hết họ đều khẳng định ở lại sẽ tốt hơn. Theo dõi tình hình dịch bệnh qua truyền thông, tạm thời cả đôi bên đều có thể yên tâm vì bản thân người ở nước ngoài đang ở vùng an toàn, còn Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp rất tích cực để ngăn chặn dịch bệnh.

Thay vì lo lắng, hoảng sợ, họ chọn cách bình tĩnh thực hiện các bước bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của ngành chức năng, như: dọn dẹp nơi ở, mở cửa thông thoáng, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc đông người và gần nhau, chỉ tập trung làm việc và nghe thời sự 1-2 lần trong ngày…

Nhiều người cho biết, cũng như mọi quốc gia đang xảy ra dịch bệnh Covid-19, nơi nào cũng có những thông tin sai lệch bị đồn thổi làm tình hình thêm căng thẳng, hoang mang trong cộng đồng. Chính họ cũng phải thông tin và “cải chính” hàng ngày cho gia đình, người thân.

Người Việt kết nối với nhau theo cộng đồng từng khu vực, những người đại diện nhóm cộng đồng sẽ thường xuyên cập nhật tình hình với đại sứ quán, động viên nhau và sẵn sàng hỗ trợ trường hợp cần trợ giúp qua đường dây nóng. Trên mạng xã hội, họ truyền cho nhau thông điệp, dù chọn cách nào, ở lại hay rời đi thì vẫn phải thực hiện ý thức của một công dân vì cộng đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Trên địa bàn tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp đưa người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đã tạm ngưng các hoạt động, học viên được khuyến khích tự học ngoại ngữ tại nhà, sẵn sàng tinh thần khi có điều kiện phù hợp.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ket-noi-tinh-than-vung-long-phong-chong-dich-benh-a266547.html