Kết nối trẻ tự kỷ với cộng đồng

Với những gia đình không may có trẻ bị tự kỷ, không chỉ đưa con thăm khám và tham gia các lớp học chuyên biệt, nhiều ông bố bà mẹ đã học các kỹ năng cần thiết để đồng hành cùng con suốt chặng đường dài.

Kiên trì, nhẫn nại và cố gắng không ngừng nghỉ, sự nỗ lực của những gia đình kéo dài suốt hàng chục năm trời đã không chỉ kết nối trẻ tự kỷ với mọi người xung quanh mà còn mở ra tương lai cho các bé ở phía trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

12 năm trước, chị Trần Thị Hoa Mai ở Hà Nội không thể hiểu về căn bệnh lạ con mình đang mắc qua 20 trang giấy tài liệu photo lại từ Viện Nhi Trung ương. Ngày ấy khái niệm “tự kỷ” còn quá xa lạ, các ông bố bà mẹ đã vật lộn với hàng trăm tài liệu bằng tiếng Anh trên mạng để thay nhau dịch thuật, tìm cách hiểu những gì con mình đang phải trải qua. Tự đọc tự ngẫm, cố gắng bắt chuyện với con, theo con học nói, rồi cùng con đi học vẽ, chị Mai luôn cố gắng học cách chơi cùng và giúp con hòa nhập vào các hoạt động chung của gia đình.

"Mình là một trường hợp can thiệp thành công dựa vào việc tự học, tự đọc, tự tìm kiếm tài liệu kết hợp với việc chủ động tham vấn ý kiến các chuyên gia, rất nỗ lực thực hành tất cả những kiến thức, kỹ năng mình đã học được với con ở nhà. Tự kỷ đòi hỏi sự vào cuộc của cả gia đình, không chỉ dựa vào các nhà chuyên môn vì số lượng các nhà chuyên môn rất ít đã đành và không có nhà chuyên môn nào có thể đồng hành cùng đứa trẻ 24/24 giờ như cha mẹ cả. Và trước khi trẻ học được kỹ năng ra ngoài xã hội thì trẻ phải hòa nhập được trong gia đình đã và chỉ có gia đình mới giúp đỡ được trẻ làm được điều ấy", chị Trần Thị Hoa Mai nói.

Không nhà chuyên môn nào có thể đồng hành cùng đứa trẻ 24/24 giờ nên các ông bố bà mẹ đều cố gắng theo sát con mình và vận dụng tất cả những kỹ năng tốt nhất có thể để chơi cùng con, giúp con giao tiếp với mọi người. Kiên trì dẫn dắt, làm một việc thật nhiều lần để con hiểu và có thể làm lại được, rồi duy trì thói quen ấy. Chỉ một việc việc làm nhỏ như hướng dẫn con cách xúc đồ ăn, tự thay quần áo hay xếp gọn gàng đồ chơi sau khi chơi xong đều đòi hỏi mỗi ông bố bà mẹ như chị Thắm ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội hàng tháng trời, thậm chí là cả năm.

"Chỉ một việc đơn giản là giúp con làm thế nào để tự vệ sinh cá nhân được, làm thế nào con tự mặc quần áo được? Chỉ một kỹ năng sống rất đơn giản thôi nhưng cũng là một cách giúp con rồi", chị Thắm nói.

Theo thạc sỹ Đặng Thị Thanh Tùng, chuyên gia tâm lý, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City Hà Nội, những năm gần đây các gia đình đã chủ động thăm khám, tìm hiểu “tự kỷ” để hiểu đúng, hiểu rõ và đưa con tham gia các lớp can thiệp tự kỷ từ rất sớm. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho trẻ được can thiệp điều trị trong giai đoạn “vàng”, khả năng phục hồi cũng tốt hơn.

Trực tiếp hướng dẫn các gia đình có con em tự kỷ cách giao tiếp, chơi cùng con, Thạc sỹ Đặng Thị Thanh Tùng thường chọn những vật liệu quen thuộc hàng ngày, dễ tìm kiếm, không mất quá nhiều tiền mua để giúp các con học cách cầm, nắm, cảm nhận chất thô, tinh, gai, nhọn hoặc mềm dính.

"Dạy cảm giác thì các cô ở nước ngoài dạy mua sỏi này, mua học liệu để làm đồ chơi cho các con như mềm, nhẵn, cứng. Mình bảo các mẹ là nếu không có những thứ ấy thì làm các hộp khác nhau mình để cát để sỏi, những viên đơn giản mua được hoặc những gì đỡ nguy hiểm, gạo rồi hạt lạc, lá khô, thảm gai mình tạo ra những cảm giác khác nhau. Hay mình mua vỏ mít làm sạch đi để tạo cảm giác về gai. Khuyến khích các gia đình sử dụng các vật liệu có sẵn bởi vì phải đi mua là người ta ngại lắm. Chỉ cần họ chú ý tích cực hơn với con là con đã cải thiện rồi", Thạc sỹ Đặng Thị Thanh Tùng cho biết.

Học cách kết nối trong gia đình, hòa nhập với cộng đồng xung quanh, trẻ tự kỷ còn phác họa thế giới riêng của mình qua ánh đèn nghệ thuật để đánh thức giác quan của mọi người. Do đó, đưa con tham gia các hoạt động, sự kiện nghệ thuật cũng là việc làm tích cực.

Và triển lãm “Thế giới song song” đang diễn ra tại Viện Goethe lúc này tại Hà Nội trưng bày 6 bộ tác phẩm của các nghệ sỹ bé có hội chứng tự kỷ trong lớp học nghệ thuật đặc biệt của Tòhe Fun, đã giúp mọi người hiểu hơn rằng: trẻ tự kỷ khác biệt và vẫn rất tuyệt./.

Bích Ngọc/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ket-noi-tre-tu-ky-voi-cong-dong-847144.vov