Kết nối từ thiện giúp bà con dân tộc có cơm ăn, áo mặc
Nhiều năm liền, chị Lù Thị Sen trực tiếp chia sẻ và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Giang. Huyện có hơn 80% là người dân tộc thiểu số với gần 17.000 hộ và 86.000 dân.
Do điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, địa bàn đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ lớn nên các nguồn lực dù đã được đầu tư cho Mèo Vạc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho bà con.
Hơn nữa, ở đây, thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều nếu so sánh với vùng đồng bằng. Nhất là những ngày đông rét cắt da, cắt thịt, những đứa trẻ không đủ quần áo mặc lại càng lạnh tê tái hơn.
Chị Lù Thị Sen (TP.Hà Giang) là người dân tộc thiểu số Hà Nhì, tuổi thơ của chị cũng rất khốn khó. Chính vì vậy, chị luôn đồng cảm với khó khăn, vất vả của bà con dân tộc thiểu số miền núi.
Địa hình tại Mèo Vạc hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nên các dân tộc thiểu số nơi đây sống theo phương thức tự cung tự cấp. Bữa ăn của nhiều đứa trẻ chỉ có mèn mén, quần áo không đủ mặc, không được đến trường. Chính điều này đã thôi thúc chị tìm mọi cách giúp bà con có cơm ăn, áo mặc.
Cơ duyên tới với vùng núi đá Hà Giang bắt nguồn từ năm 2017, chị Sen lên Mèo Vạc để sống cùng với đồng bào dân tộc thiểu số. Chị đã đi khắp các thôn bản trong huyện để tìm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
“Ngày trước nhà tôi nghèo lắm, một buổi đi học một buổi đi trồng rau đem bán. Vậy mà trên cao nguyên đá này rau cũng không có ăn, lấy gì để bán kiếm tiền” – chị Sen chia sẻ.
Chị Sen đã quyết tâm đi quyên góp tiền bạc, của cải qua bạn bè, các mối quan hệ rồi mang đi khắp các vùng xa xôi, hẻo lánh của huyện Mèo Vạc, trao tặng cho bà con nghèo khó. Chị cũng kết nối nhiều tổ chức đến hỗ trợ bà con xây dựng cầu, nhà vệ sinh, trường học.
Chị Sen cho biết: “Tôi đã đưa một số người bạn ở Hà Nội, TP.HCM, thậm chí ở Hàn Quốc vào tận các bản làng trong huyện Mèo Vạc, mọi người đã “sốc” vì không nghĩ có những nơi còn nghèo như vậy. Từ đó họ đã cùng tôi bắt đầu hỗ trợ người dân ở đây từ phát quà thực phẩm, tài trợ sách bút tới trường cho trẻ nhỏ...”.
Để giúp những đứa trẻ hiếm khi được ăn thịt, chị Sen tự bỏ tiền ra mỗi tuần nấu một, hai bữa cơm có thịt cho khoảng 60 trẻ ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
Ngoài ra, chị đến các xã khác trong huyện, ở đâu bà con khó khăn và cần hỗ trợ gì thì chị ghi chú lại rồi kết nối các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân nhờ hỗ trợ.
Thấy nhiều gia đình dân tộc Dao, Giáy, Mông vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ cho bé trai đi học còn bé gái phải ở nhà đi nương rẫy, chị Sen đã đến vận động, phát tài liệu về bình đẳng giới. Nhờ đó, nhiều bé gái đã được gia đình cho đến trường. Những đứa trẻ lớn hơn cũng biết rõ về tục tảo hôn để không còn kết hôn quá sớm.
Chị Sen chia sẻ, khi vận động bà con thì cần kiên trì, phải trò chuyện để họ tin tưởng và nghe theo mình.
Ban đầu, chị phải nhờ những người dân tộc có uy tín ở thôn biết tiếng Kinh “phiên dịch”. Về sau, qua tiếp xúc lâu dài, chị đã hiểu và trò chuyện được với đồng bào để cùng thay đổi đời sống gia đình, phát triển kinh tế.
Chị Sen cảm thấy vui lây khi những đứa trẻ ngoài bữa ăn mèn mén còn có rau, gạo, thi thoảng thêm chút thịt, có điều kiện vệ sinh sạch sẽ, được mặc ấm, được đến trường. Đó luôn là mục tiêu để chị để cố gắng làm được nhiều hơn cho bà con vùng cao nguyên đá tai mèo này.
Trong tương lai, người phụ nữ này mong có thêm nhiều mạnh thường quân, các doanh nghiệp hỗ trợ huyện tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp trẻ em được đến trường đầy đủ, giúp đồng bào liên kết phát triển sản xuất, có công ăn việc làm để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.