Kẹt ở dự án nhập khẩu điện từ Lào
Nguy cơ thiếu điện có thể căng thẳng do chưa có thêm dự án mới đi vào vận hành nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị đẩy nhanh tiến độ mua điện từ Lào.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, hiện nay, tổng công ty đang triển khai 3 dự án mua điện Lào (khu vực phía Bắc) gồm: Đường dây 220kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên lãnh thổ Việt Nam); Đường dây 220kV Tương Dương – Đô Lương; Dự án lắp máy biến áp thứ 2 TBA 220kV Tương Dương.
Cùng với đó, tổng công ty cũng triển khai 12 dự án giải tỏa thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như: Trạm biến áp 220kV Điện Biên; Đường dây 220kV Sơn La - Điện Biên; Trạm biến áp 220kV Bát Xát; Đường dây 220kV Bát Xát - Bảo Thắng/TBA 500kV Lào Cai; TBA 220kV Pắc Ma; Đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè...
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nhiều dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; điều chỉnh hướng tuyến, chủ trương phê duyệt đầu tư...
Điển hình, Đường dây 220kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhập khẩu điện từ Lào, nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện cho năm 2024, nhưng hiện vẫn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở cả 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa; chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An...
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các dự án trong việc đảm bảo điện năm 2024 cũng như giai đoạn tới cho khu vực miền bắc, ông Phạm Hồng Phương - Phó tổng giám đốc EVN yêu cầu EVNNPT chỉ đạo các ban quản lý dự án rà soát, báo cáo chi tiết khó khăn của từng dự án; từ đó phối hợp chặt chẽ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Với những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Phạm Hồng Phương yêu cầu EVNNPT, các ban quản lý dự án tích cực bám sát, trực tiếp làm việc và phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần khẩn trương cung cấp hồ sơ, giải trình để trình Bộ NN&PTNT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.
EVN mới đây đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.
Việc này đặt ra trong bối cảnh từ nay tới 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ miền Bắc thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.
EVN cho biết miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỉ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) năm 2025 do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm.
Do đó, việc có thêm hơn 225 MW điện nhập khẩu từ Lào, theo EVN sẽ bổ sung thêm đáng kể nguồn điện, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Các dự án điện được đề nghị mua sẽ đấu nối vào các đường dây 220 kV đang vận hành, không phải đầu tư thêm lưới điện phía Việt Nam để tiếp nhận.
Mặt khác, giá điện mua từ Lào với các nhà máy thủy điện là khoảng 6,95 cent một kWh, cạnh tranh hơn so với một số nguồn điện trong nước, như điện mặt trời 7,09-9,35 cent một kWh, điện gió 8,5-9,8 cent một kWh, hay điện khí từ các nhà máy trong nước 8,24 cent một kWh và điện than 7,23-8,45 cent một kWh.
Đến tháng 8, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu khoảng 2.698 MW điện từ Lào, trong đó EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư với tổng công suất 2.240 MW.
Hiện có 6 nhà máy điện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW. Trong số này, 4 dự án (công suất 249 MW) đang được Công ty Mua bán điện - đơn vị trực thuộc EVN - đàm phán PPA với chủ đầu tư. Còn lại chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện Nậm Kông 1 (160MW) và Nậm Mouan (100MW) thông báo ngừng bán.
Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV. Vào cao điểm nắng nóng tại miền Bắc vừa qua, lượng điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc khoảng 11 triệu kWh một ngày, bằng 1/10 nhu cầu sử dụng ở khu vực này.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ket-o-du-an-nhap-khau-dien-tu-lao-208795.html