Kết quả bầu cử ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối ngoại của Slovakia?
Sau kết quả được đánh giá là gây bất ngờ tại vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia, các nhà khoa học chính trị cũng đưa ra những phân tích, trong đó dự báo, dù kết quả vòng quyết định diễn ra vào 6/4 tới thế nào cũng sẽ tác động không nhỏ đối với chính sách đối ngoại hiện nay của Thủ tướng Robert Fico.
Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống ở Slovakia đã kết thúc vào lúc 22h hôm 23/3 (theo giờ địa phương). Kết quả đã mang lại niềm vui bất ngờ cho nhiều cử tri ủng hộ người đã giành chiến thắng nhưng cũng mang theo những những hồi hộp, gay cấn cho vòng cuối cùng của cuộc bầu cử.
Theo kết quả kiểm phiếu, chiến thắng đã thuộc về cựu ngoại trưởng Ivan Ivan Korcok với 42,5 % hơn 5,5% so với người về thứ hai là Peter Pellegrini. Người về vị trí thứ ba, cũng đúng với dự đoán là ứng viên Stefan Harabin với 11,74%. 6 ứng cử viên còn lại chỉ giành được dưới 3%.
Thậm chí ứng viên Milan Nahlik chỉ giành được 0,13%. Chiến thắng của ông Ivan Korcok là kết quả khá bất ngờ, bởi theo các cuộc thăm dò bầu cử trước đó, ứng viên Ivan Korcok luôn về thứ 2 với tỷ lệ khá cách biệt so với ứng viên tiềm năng Pellegrini. Tuy nhiên, do không ai giành được trên 50% nên cuộc bầu cử phải tiến hành vòng 2 vào ngày 6/4 với hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất.
Mặc dù được bước tiếp vào vòng hai nhưng với việc chỉ giành được 37,05% và kém người đứng đầu hơn 5% đã khiến niềm tin vào chiến thắng của chủ tịch quốc hội Pellegrini bị lung lay đáng kể.
Theo truyền thông Slovakia, ở vòng hai mang tính quyết định, đất nước phải đối mặt với cuộc chiến gần nhất để giành chiếc ghế nguyên thủ quốc gia kể từ khi áp dụng bầu cử trực tiếp vào năm 1999. Một số tờ báo đánh giá, cuộc bỏ phiếu như một cuộc trưng cầu dân ý về liên minh chính phủ hoặc về Thủ tướng và chủ tịch đảng Định hướng-Dân chủ Xã hội Robert Fico, người đã ủng hộ Pellegrini khi ứng cử Tổng thống. Tuy nhiên, chiến thắng ở vòng 2 của ông Ivan Korcok là không chắc chắn, trừ khi ông ấy nhận thêm được sự ủng hộ của các cử tri khác. Các nhà phân tích cũng cho rằng, kết quả vòng 2 sẽ được quyết định bởi những cử tri đã ủng hộ cho Harabin, người chỉ về thứ ba.
Nhà khoa học chính trị Pavel Saradin từ Đại học Masaryk cho rằng, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ có ảnh hưởng lớn đến công việc của Thủ tướng Robert Fico. Trong đó, nếu ông Ivan Korcok giành chiến thắng, đó sẽ là thông điệp cho thấy xã hội Slovakia không hài lòng với các chính sách của Thủ tướng Fico. Mặt khác, nếu ứng viên Peter Pellegrini, người mà Thủ tướng Fico ủng hộ, giành chiến thắng, chính phủ hiện nay sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.
Theo nhà khoa học chính trị Pavel Saradin, những cuộc bầu cử này được coi là một cuộc trưng cầu ý dân về chính phủ. Đây là một cuộc trưng cầu không chỉ về bản thân ông Pellegrini mà còn về loại chính sách nào đang được theo đuổi ở Slovakia. Nếu cựu Thủ tướng Pellegrini thất bại, sẽ không chỉ làm suy yếu vị thế của chính ông trên chính trường Slovakia mà còn cả của Thủ tướng Fico. Mặt khác, nếu ông Pellegrini giành chiến thắng, đôi tay của Thủ tướng Fico có thể được giải phóng nhiều hơn và mang lại cho Thủ tướng Fico nhiều quyền lực hơn. Điều này cũng có thể tăng cường mối quan hệ với Hungary và sự phụ thuộc lớn hơn của Slovakia vào nền chính trị phương Đông.
Nhà phân tích này cũng cho rằng, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Slovakia cũng sẽ ảnh hưởng hơn đến mối quan hệ giữa Cộng hòa Séc và Slovakia. Trong đó, nếu ông Pellegrini giành chiến thắng, mối quan hệ giữa các Tổng thống hai nước sẽ không có thay đổi so với hiện nay. Nhưng với tính chất và cách nhìn giống nhau về thế giới, ông Korcok có thể tạo nên sự vượt trội trong quan hệ hai nước, nếu chiến thắng.
Tuy nhiên, theo Karol Lovas, một cựu nhà báo và hiện là giáo viên Khoa Báo chí tại Đại học Charles, ngay cả chiến thắng của ông Pellegrini cũng có thể không phải là tin tốt nhất cho Thủ tướng Fico. Ông Lovas cho rằng, sẽ không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong các vấn đề chính sách đối ngoại của Slovakia. Cả hai ứng cử viên Pellegrini và Korcok đều có định hướng chính sách đối ngoại gắn liền với Liên minh châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Có chăng chỉ là những thay đổi sẽ diễn ra trong nước trong trường hợp ông Korcok trở thành tổng thống. Bởi khi đó căng thẳng giữa tổng thống và thủ tướng sẽ tiếp tục.