Kết quả bầu cử Mỹ có tác động gì đến xuất khẩu của Việt Nam?

Theo một số chuyên gia quốc tế, việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam. Ngoài ra, nếu Mỹ áp thuế 60% đối với Trung Quốc thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu.

Nhiều loại trái cây của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua như dừa, bưởi. Trong ảnh: Đóng gói bưởi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều loại trái cây của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua như dừa, bưởi. Trong ảnh: Đóng gói bưởi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. Ảnh: Trung Chánh.

Doanh nghiệp xuất hàng sang Mỹ lo ngại

Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang lo lắng chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới vì dù ông Donald Trump của đảng Cộng hòa hay bà Kamala Harris của đảng Dân chủ thắng cử, chính phủ dưới quyền tân tổng thống vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại quốc tế theo hướng bảo hộ cho doanh nghiệp Mỹ.

Các báo cáo mới nhất về thị trường tiêu dùng cho thấy, người Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn dự kiến cho các loại hàng hóa khác nhau. Theo ước tính của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), tổng chi tiêu tại Mỹ trong mùa lễ hội cuối năm vào tháng 11 và 12-2024 sẽ đạt khoảng 980-989 tỉ đô la, tăng từ 2,5-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 89 tỉ đô la, nâng giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ khoảng 78,5 tỉ đô la, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy thị trường tiêu dùng Mỹ có nhiều dấu hiệu lạc quan nhưng các doanh nghiệp đang xuất hàng qua Mỹ thì lại e ngại. Trong chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump và của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đều công bố chủ trương sẽ tăng thuế nhập khẩu, dù chính sách tăng thuế có khác giữa hai ứng viên này.

Ông Trump có phần quyết liệt hơn khi ban đầu đề xuất đánh thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ nước nào, gần đây lại nâng lên mức 20%.

Trong khi đó, bà Harris thì cho rằng chính sách đánh thuế chung 10% lên mọi loại hàng hóa nhập khẩu của ông Trump như một loại thuế trực tiếp làm người dân Mỹ tốn kém hơn trong chi tiêu. Ứng viên này đề xuất dùng tín dụng thuế để trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước phát triển các ngành như năng lượng sạch, chip bán dẫn, pin mặt trời, xe điện… giống một loại thuế gián tiếp.

Như vậy, sự khác nhau giữa ông Trump và bà Harris chỉ là mức độ và quy mô. Ông Trump sử dụng thuế như một bức tường bịt kín bảo hộ sản xuất bên trong nước Mỹ còn bà Harris cũng đang dựng hàng rào dù thưa hơn nhưng cũng có nhiệm vụ che chắn cho doanh nghiệp Mỹ.

Về tổng thể, quan điểm của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong chính sách thương mại với Trung Quốc đã trở nên khá giống nhau. Vì vậy, các chính sách này có thể sẽ không thay đổi bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Cần nhớ rằng, Tổng thống Joe Biden hiện nay vẫn giữ chính sách áp thuế của ông Trump đối với Trung Quốc cho dù đã có chỉ trích mạnh về việc áp thuế này trong cuộc tranh cử năm 2020.

Hàng hóa Việt Nam có rơi vào thế bất lợi?

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản VinaCapital nhận định, nếu đắc cử ông Trump được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc làm giảm giá trị đồng đô la thay vì tăng thuế. Việc tăng thuế sẽ làm tăng lạm phát tại Mỹ trong khi đồng đô la yếu hơn cũng sẽ giúp chính phủ Mỹ giải quyết nhiều vấn đề khác, bao gồm khoản nợ khổng lồ của nước này.

Đồng đô la yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài Mỹ và việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi lớn nhất về xuất khẩu, theo báo cáo của Standard Chartered và các tổ chức khác.

Trong báo cáo phát hành hồi đầu tháng 9-2024 của Vinacapital, ông Michael Kokalari nhận định Việt Nam là một trong ba quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ nhất với Mỹ về mặt kinh tế, chỉ đứng sau Canada và Mexico.

Mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì phục hồi rất tốt trong năm 2024 dù Fed đã tăng lãi suất kỷ lục. Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm 2024.

Về trung hạn sau bầu của Mỹ, ông Michael Kokalari cho rằng, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” có thể sẽ chững lại nhưng không giảm mạnh vào đầu năm 2025

Các chính trị gia thuộc cả hai phía của chính trường Mỹ đều muốn đưa các công đoạn sản xuất trở lại Mỹ, vốn đã thất bại sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, do chi phí sản xuất sản phẩm tại Mỹ rất cao và số lượng công nhân sản xuất có tay nghề cao tại Mỹ rất thấp, việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Hầu hết các nhà kinh tế đều chia sẻ nhận định, đề xuất thuế đánh lên hàng nhập khẩu vào Mỹ của ông Donald Trump sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực hơn là tích cực. Thuế sẽ dẫn tới đối đầu thương mại, kể cả chiến tranh thương mại, gây tổn hại cho mọi nước, hạn chế dòng chảy thương mại toàn cầu, phá vỡ các chuỗi cung ứng hàng hóa, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lạm phát.

Nguyên Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ket-qua-bau-cu-my-co-tac-dong-gi-den-xuat-khau-cua-viet-nam/