Kết quả bầu cử Tổng thống Iran khó đoán định

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran diễn ra cuối tuần qua không tìm được người giành được chiến thắng tuyệt đối với trên 50% phiếu bầu.

Yếu tố bất ngờ: tỷ lệ bỏ phiếu thấp kỷ lục

Iran đang trong tiến trình bầu cử để tìm ra tổng thống mới sau khi cố Tổng thống Ebrahim Raisi của nước này qua đời vào tháng 5 vừa qua do tai nạn máy bay.

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran diễn ra cuối tuần qua gây bất ngờ khi không có ai trong số bốn ứng viên giành được chiến thắng tuyệt đối (tức là trên 50% phiếu bầu).

Cuộc bỏ phiếu hôm 27/6, chỉ có 24,5 triệu trong số 60 triệu cử tri Iran đủ điều kiện, đi bỏ phiếu cho bốn ứng viên, trong đó Nghị sĩ Massoud Pezeshkian nhận được 10,4 triệu phiếu bầu (tương đương bao 42,45%), cựu sĩ quan Lực lượng Vệ binh Cách mạng Saeed Jalili nhận được 9,4 triệu phiếu (tương đương bao 38,61%). Hai ứng viên còn lại chỉ nhận được tổng cộng hơn ba triệu phiếu bầu.

Bốn ứng cử viên Tổng thống Iran. Ảnh: Reuters.

Bốn ứng cử viên Tổng thống Iran. Ảnh: Reuters.

Theo luật pháp Iran, để giành chiến thắng, ứng viên phải nhận được hơn 50% tổng số phiếu bầu.

Trong vòng bỏ phiếu vừa qua, không ai trong số bốn ứng viên đạt được điều kiện này. Như vậy hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất trong cuộc đua là ông Pezeshkian và ông Jalili sẽ tiến vào vòng hai, được tổ chức vào ngày 5/7 tới.

Đây là một kết quả tương đối bất ngờ bởi trong lịch sử Iran chỉ mới có một cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2005 phải tiến hành đến vòng hai.

Nguyên nhân các ứng viên nhận được ít phiếu bầu là do tỷ lệ cử tri Iran đi bầu tổng thống lần này thấp kỷ lục trong lịch sử. Bộ Nội vụ Iran cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 39,9%.

Có những dấu hiệu cho thấy công chúng Iran ngày càng thờ ơ với cuộc bỏ phiếu. Theo kết quả, có hơn một triệu phiếu bầu trắng, cho thấy người dân cảm thấy có nghĩa vụ phải bỏ phiếu nhưng họ không muốn chọn bất kỳ ứng cử viên nào.

Tờ Aljazeera cho rằng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm mạnh khi phần lớn cử tri trẻ tuổi bất mãn với tình trạng kinh tế khó khăn kéo dài và hạn chế về chính trị - xã hội tại Iran.

Không, tôi sẽ không bỏ phiếu vì giống như những năm trước, tôi tin rằng việc bỏ phiếu không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với tình hình chính trị và kinh tế của người dân và đất nước.

Anh Modabber - người dân Iran.

Tuy vậy, nhiều người dân Iran vẫn hy vọng vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ thu hút nhiều cử tri tham gia hơn, với mong muốn tìm ra người xứng đáng để dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn.

Sự đối đầu của hai ứng viên có quan điểm trái ngược

Cuộc bầu cử vòng hai sẽ là màn đối đầu giữa ứng viên theo đường lối trái ngược nhau, Nghị sĩ Masoud Pezeshkian theo đường lối cải cách và ôn hòa, còn cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili theo đường lối cứng rắn.

Tỷ lệ phiếu bầu sát sao giành cho hai ứng viên này trong cuộc bỏ phiếu vòng một vừa qua báo hiệu cuộc bầu cử vòng hai sẽ không kém phần gay cấn, cử tri sẽ không dễ để lựa chọn ai trong hai ứng viên này trở thành tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Iran.

Ứng viên Masoud Pezeshkian trong cuộc vận động tranh cử ở Tehran, Iran, ngày 23.6. Ảnh: Xinhua.

Ứng viên Masoud Pezeshkian trong cuộc vận động tranh cử ở Tehran, Iran, ngày 23.6. Ảnh: Xinhua.

Trong số các ứng viên cho chức tổng thống, Nghị sĩ Masoud Pezeshkian (69 tuổi), đã vươn lên từ vị trí tương đối thấp ban đầu để trở thành người giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử vừa qua.

Là một bác sĩ chuyên khoa, ông Pezeshkian từng là Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống cải cách Mohammad Khatami từ năm 2001 đến năm 2005 và đã giữ một ghế trong Quốc hội kể từ năm 2008.

Ông Pezeshkian là nhà cải cách và ôn hòa duy nhất trong số các ứng viên. Ông đã kêu gọi khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đã ký với phương Tây.

Iran đã bị cắt đứt khỏi phần lớn các thị trường tài chính toàn cầu trong nhiều năm do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Nước này phải ký thỏa thuận hạn chế hạt nhân năm 2015 để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 và mở rộng lệnh trừng phạt đối với Iran.

Dòng vốn FDI đổ vào Iran hiện rất nhỏ so với các nước trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pezeshkian lập luận rằng Iran rất cần đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đang cản trở đất nước này.

Không thể đạt được mức tăng trưởng 8% nếu không kết nối và mở cửa biên giới với các chính phủ trong khu vực và thế giới. Như các chuyên gia đã nói trước đây, để đạt được mức tăng trưởng 8%, chúng ta cần 200 tỷ USD một năm, không thể có được 200 tỷ USD đó với tình hình hiện tại. Vì vậy, chúng ta cần giao tiếp với thế giới và giải quyết các vấn đề quốc tế trên thế giới. Nếu chúng ta không đạt được mục tiêu này, những lời này chỉ là lời nói suông.

Ông Masoud Pezeshkian - ứng viên Tổng thống Iran.

Theo quan điểm của ông Masoud Pezeshkian, khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là cách duy nhất để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, và để Iran, một quốc gia có gần 90 triệu người, có thể phục hồi nền kinh tế đang suy yếu của mình và tái hòa nhập vào hệ thống toàn cầu.

Ông Pezeshkian cũng là người chỉ trích việc thực thi luật bắt buộc phụ nữ phải đeo khăn trùm đầu và cổ ở nơi công cộng kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Ông Muhammad Sahimi - Giáo sư Đại học Nam California, Los Angeles, Mỹ, nhận định nếu ông Pezeshkian được bầu làm tổng thống, Iran sẽ có chính sách ôn hòa hơn với phương Tây và thoát khỏi khó khăn.

Triển vọng thắng cử của ông Pezeshkian hiện nay phụ thuộc vào việc thu hút hàng triệu cử vốn đang thất vọng với lệnh trừng phạt và tình hình kinh tế trì trệ của đất nước trong những năm qua.

Ứng của viên Tổng thống Iran Saeed Jalili. Ảnh: Iranitl.

Ứng của viên Tổng thống Iran Saeed Jalili. Ảnh: Iranitl.

Đối thủ của ông Pezeshkian là ông Saeed Jalili (58 tuổi), ứng viên đứng vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử vừa qua và được biết đến có quan điểm kiên định chống phương Tây.

Ông Jalili đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao trong suốt sự nghiệp của mình. Hiện tại, ông là một thành viên tại Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao, cơ quan an ninh hàng đầu của Iran.

Ông Jalili đã phục vụ trong cuộc chiến Iran - Iraq. Từ năm 2007 đến năm 2013, ông đã lãnh đạo các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, duy trì lập trường không khoan nhượng. Dưới thời tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad, ông Jalili giữ chức Thứ trưởng ngoại giao phụ trách châu Âu và Nam Mỹ.

Ông cũng là người đã điều hành văn phòng của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei trong bốn năm từ năm 2001 đến 2004, chịu trách nhiệm về các báo cáo chiến lược quan trọng.

Ông Jalili đã kịch liệt phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cho rằng nó vi phạm "ranh giới đỏ" của Iran khi cho phép thanh tra các địa điểm hạt nhân.

Bản thân tôi là một trong những nhà đàm phán hạt nhân. Tôi biết về quá trình này và chúng tôi đã theo đuổi nó, nhưng chúng tôi đang trên con đường bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân, chứ không phải phá hủy chúng. Bất cứ điều gì các nhà khoa học hạt nhân của chúng tôi cung cấp sẽ được gửi ra nước ngoài.

Ông Saeed Jalili - ứng viên Tổng thống Iran.

Những quan điểm của ông Jalili không được lòng những người Iran có học thức, thuộc tầng lớp trung lưu, ở các trung tâm đô thị của đất nước.

Tuy nhiên, ông được ủng hộ bởi một nhóm cử tri cứng rắn ủng hộ khẩu hiệu “không thỏa hiệp, không đầu hàng” phương Tây. Ông đặt mục tiêu thống nhất các phe phái bảo thủ bị chia rẽ của Iran trong cuộc bầu cử vòng hai sắp tới.

Nếu ông Jalili giành chiến thắng, theo các nhà phân tích, sẽ có sự thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Iran theo hướng đối kháng hơn với phương Tây.

Những vấn đề mà tổng thống mới sẽ phải đối mặt

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra vào thời điểm căng thẳng khu vực leo thang do cuộc xung đột giữa Israel với Hamas được Iran tài trợ ở Dải Gaza và Hezbollah ở Liban, cùng với áp lực từ phương Tây ngày càng tăng vì chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Tehran.

Những vấn đề mà bất kỳ ai thắng cử tổng thống đều phải đối mặt, đó là đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và giảm áp lực bên ngoài gây ra cho đất nước do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống mới của Iran sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề:

Thứ nhất là nền kinh tế trì trệ, lạm phát tăng gần 40% trong bốn năm. Với nền kinh tế chịu áp lực do lệnh trừng phạt và căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng rial đã mất giá nhanh nhất trong lịch sử kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018.

Đồng tiền này đã mất hơn 60% giá trị so với đồng USD trong ba năm và đạt khoảng 600.000 rial đổi một USD. Trong thập kỷ qua, đồng rial đã mất hơn 90% giá trị so với đồng USD.

Nền kinh tế Iran trì trệ, lạm phát tăng gần 40% trong bốn năm.

Nền kinh tế Iran trì trệ, lạm phát tăng gần 40% trong bốn năm.

Những yếu tố đó kết hợp với các hành động đàn áp ngày càng tăng của lực lượng an ninh và tư pháp trong nước đã thúc đẩy sự bất mãn của công chúng đối với chính phủ.

Thứ hai là cách quản lý bất kỳ mối quan hệ nào trong tương lai với quốc tế và mối quan tâm xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Nếu nhà cải cách Pezeshkian giành chiến thắng, ông sẽ thúc đẩy khôi phục thỏa thuận hạt nhân với phương Tây và thực hiện kế hoạch thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài để cải thiện nền kinh tế.

Còn nếu ông Jalili - một người chỉ trích gay gắt thỏa thuận này giành chiến thắng, thì có khả năng đồng rial sẽ mất giá thêm hoặc dao động quanh mức hiện tại vì người Iran cho rằng chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Mỹ sẽ tiếp tục.

Về mối quan hệ giữa Iran với Nga, hai nhân vật ủng hộ chính cho việc xích lại gần Nga là cố Tổng thống Ebrahim Raisi và cố Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian đều đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay vào tháng 5, trước khi hai nước kịp thể chế hóa quan hệ dưới hình thức một thỏa thuận hợp tác dài hạn mới.

Do đó, liệu tổng thống tiếp theo có quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ giữa Iran với Nga hay không là một câu hỏi quan trọng.

Cố Tổng thống Ebrahim Raisi (phải) và cố Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian vào năm 2023. Ảnh: AFP.

Cố Tổng thống Ebrahim Raisi (phải) và cố Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian vào năm 2023. Ảnh: AFP.

Hiện tại, hướng đi trong mối quan hệ Iran - Nga dường như không thay đổi. Tuy nhiên, các ứng cử viên chính trong cuộc đua giành chức tổng thống đều đang ra tín hiệu rằng ưu tiên của họ là nới lỏng lệnh trừng phạt và cải thiện nền kinh tế chứ không phải là mối quan hệ đặc biệt với Moscow.

Một vấn đề mà Iran phải đối mặt là cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông mà Iran có liên quan, cả trực tiếp hay thông qua các bên ủy nhiệm. Nguy cơ lò lửa Trung Đông lan rộng là một vấn đề phức tạp, kéo theo sự tham gia của nhiều bên, có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thậm chí còn lớn hơn đối với Tehran.

Và cuối cùng, thập kỷ tới có thể là thời điểm quyền lực ở Iran chuyển giao từ Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao 85 tuổi của Iran, người nắm quyền từ năm 1989 đến nay, sang người kế nhiệm.

Điều quan trọng đối với giới lãnh đạo Iran là đảm bảo một môi trường kinh tế xã hội trong nước ổn định hơn để quá trình kế nhiệm diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: Reuters.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích nhận định, trên thực tế, bất kể ai trở thành tổng thống, quyền lực tối cao vẫn nằm trong tay Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về chính sách đối ngoại và quân sự, sẽ không có bất kỳ sự thay đổi chính sách lớn nào đối với chương trình hạt nhân của Iran hoặc sự hỗ trợ của nước này đối với các lực lượng vũ trang trên khắp Trung Đông.

Tuy nhiên, tổng thống điều hành chính phủ hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Iran bằng cách dựa vào sự ủng hộ của người dân, các liên kết chính trị và mối liên hệ với các tổ chức quyền lực.

Tổng thống cũng là đại diện của chính phủ Iran trước thế giới. Vì vậy, cử tri Iran là sẽ phải cân nhắc thật kỹ càng để chọn ra một vị tổng thống phù hợp nhất, đưa đất nước Iran vượt qua những khó khăn trước mắt.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ket-qua-bau-cu-tong-thong-iran-kho-doan-dinh-247052.htm