Kết quả bước đầu của việc sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả', tỉnh Sơn La đã và đang từng bước triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn. Tuy vẫn còn những khó khăn nhưng bước đầu việc sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố đã đem lại kết quả thiết thực, tạo sức lan tỏa tích cực và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách.

Người dân bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu) tham gia ý kiến về việc sáp nhập bản.

Người dân bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu) tham gia ý kiến về việc sáp nhập bản.

Thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, xây dựng phương án quy hoạch, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trước khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 3.324 bản, tiểu khu, tổ dân phố (3.116 bản; 208 tiểu khu, tổ dân phố) trong đó có tới 3.258/3.324 bản, tiểu khu, tổ dân phố không đảm bảo quy mô về số hộ theo quy định, chiếm 98%. Thực trạng quy mô bản, tiểu khu nhỏ, lẻ, dân cư không đồng đều đã gây ra sự bất hợp lý trong bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách. Ngay sau khi có hướng dẫn của tỉnh về việc sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tiến hành triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, yêu cầu của việc sáp nhập. Cụ thể đã quán triệt tiêu chí: Đối với bản phải từ 200 hộ trở lên, đối với tiểu khu phải từ 300 hộ trở lên; bản, tiểu khu khi sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Các xã, thị trấn thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê về diện tích, số hộ, cơ sở vật chất, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp; tiến hành họp lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới bản, tiểu khu; thống nhất phương án sáp nhập, đối thoại giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

Qua 3 đợt thực hiện sáp nhập (từ năm 2018 đến 17/7/2019), tổng số bản trên địa bàn tỉnh giảm từ 3.324 bản xuống còn 2.749 bản, giảm 575 bản; so với Đề án được phê duyệt đã giảm 575/1.068 bản, bằng 53,84%. Trong đó, Phù Yên là huyện có số bản sáp nhập nhiều nhất với 105 bản (giảm từ 320 bản xuống còn 215 bản); tiếp đến là các huyện: Quỳnh Nhai giảm 87 bản (từ 196 bản xuống còn 109 bản); Thuận Châu giảm 69 bản (từ 570 bản xuống còn 501 bản); Mường La giảm 59 bản (từ 288 bản xuống còn 229 bản); Mai Sơn giảm 56 bản (từ 458 bản xuống còn 402 bản); Sông Mã giảm 45 bản (từ 470 bản xuống còn 425 bản); Bắc Yên giảm 43 bản (từ 152 bản xuống còn 109 bản); Mộc Châu giảm 30 bản (từ 226 bản xuống còn 196 bản); Thành phố giảm 27 bản (từ 173 bản xuống còn 146 bản); Vân Hồ giảm 23 bản (từ 147 bản xuống còn 124 bản); Sốp Cộp giảm 22 bản (từ 128 bản xuống 106 bản); Yên Châu giảm 9 bản (từ 196 bản xuống còn 187 bản). Với việc giảm 575 bản, sẽ tương ứng giảm khoảng 4.600 người hoạt động không chuyên trách, người hưởng mức hỗ trợ và 2.875 người đứng đầu các tổ chức ở bản trên địa bàn tỉnh.

Điều khẳng định, chủ trương sắp xếp, sáp nhập các tổ, bản, tiểu khu là cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở bản, tổ dân phố mạnh về số lượng, chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trong triển khai nhiệm vụ do cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giao; giảm kinh phí chi trả cho số người hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, sáp nhập bản còn một số tồn tại, vướng mắc như: Tại các bản của xã vùng cao, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông đi lại không thuận tiện, dân cư phân bố rải rác nên việc sáp nhập các bản sẽ khó khăn trong quản lý, điều hành hoạt động của bản; một số nơi còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình, thủ tục giải thể, sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp các tổ chức đảng, đoàn thể...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân khi sáp nhập; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh, vướng mắc của nhân dân sau khi sắp xếp lại trên các mặt của đời sống xã hội; rà soát, xây dựng phương án và lập hồ sơ sáp nhập bản các đợt tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách điều chỉnh hợp lý về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập tổ, bản, tiểu khu, nhằm đảm bảo tiến độ, yêu cầu theo Đề án đã được phê duyệt.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ket-qua-buoc-dau-cua-viec-sap-xep-sap-nhap-cac-ban-tieu-khu-to-dan-pho-24763