Kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở các địa phương
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các địa phương tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật: Tỷ lệ hút thuốc lá giảm đáng kể, nhiều người cai nghiện thuốc lá thành công, các cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc...
Tại Quảng Ngãi, BS.CKII Võ Hùng Viễn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cho biết, dù Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá huyện được thành lập trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tính đến tháng 10/2024, Trung tâm Y tế đã tư vấn cai nghiện thuốc lá cho gần 2.000 người.
Trong năm 2024, 570 người đã cai nghiện thành công, bao gồm: 122 người duy trì cai thuốc trên 12 tháng, 156 người duy trì từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, 138 người duy trì từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện thuốc lá, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn kiến nghị tăng cường sự chỉ đạo đồng bộ từ các ban, ngành trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, đưa thuốc điều trị cai nghiện thuốc lá vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận. Bác sĩ cũng đề nghị Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá và Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tài chính, chuyên môn nhằm duy trì hoạt động của phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại địa phương.
Tại Ninh Bình, qua 10 năm qua, mặc dù có nhiều biến cố do thiên tai, dịch bệnh, nhưng các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống tác hại thuốc lá. UBND thành phố Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này. Các hoạt động thông tin truyền thông được tổ chức đa dạng qua báo chí, các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động… Hàng năm, TP Ninh Bình tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho các đoàn thể, cộng tác viên của mạng lưới, giáo viên, y tế cơ sở.
Kết quả thành phố đã tổ chức cai nghiện thuốc lá thành công cho 80 người. Tiến hành kiểm tra, xử lý 21 vụ, thu giữ hơn 2000 bao thuốc lá, phạt tiền gần 90 triệu đồng. Đến nay, đa số cán bộ và người dân đều nhận thức được tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến người hút và những người xung quanh, đã hình thành nhận thức mới trong cộng đồng, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Tại tỉnh Hà Nam, với những hoạt động tích cực, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2018, thực trạng hút thuốc lá ở người trưởng thành trên địa bàn tỉnh là 28,6%, tỷ lệ nam giới hút thuốc rất cao (55,5%), trong khi nữ giới chỉ có 0,8%. Đến năm 2022, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành giảm từ 28,6% xuống còn 14,3%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động từ đó cũng giảm tại các địa điểm như nhà, cơ sở giáo dục, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, phương tiện công cộng.
Qua khảo sát, có 85,3% đã được nghe về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và 81,1% ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá; 96,1% cho rằng hút thuốc lá thụ động có thể mắc bệnh nguy hiểm; 95,3% các cơ quan, đơn vị có biển báo “Cấm hút thuốc”...
Để đạt được những kết quả này, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xây dựng kế hoạch, có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Ý thức của cán bộ, đảng viên, người dân về thực hiện các quy định của Luật ngày càng được nâng cao. Việc xây dựng môi trường sống, học tập, làm việc, không gian công cộng,... không khói thuốc ngày càng được triển khai rộng rãi, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Để hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả, ông Trần Đỗ Kiên – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu cho biết, Ban chỉ đạo tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành với các cấp, đơn vị như: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá tới học sinh, sinh viên trong các buổi họp; Phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, các cơ quan liên quan tổ chức thành công Lễ hưởng ứng “Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không hút thuốc lá từ 25-31/5;
Phối hợp với các Ban ngành tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; tổ chức các lớp tập huấn. Đồng thời phối hợp liên ngành thực hiện giám sát tình hình thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã; Xây dựng cơ quan không khói thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại các Sở, ban ngành, cơ sở y tế, giáo dục,...
Nhờ có công tác phối hợp liên ngành chặt chẽ từ chỉ đạo đến xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động mà kết quả thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả điều tra thực trạng triển khai Luật phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh Lai Châu so sánh các năm 2017 - 2020 cho thấy: Tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 35,4% xuống 24,6%; Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới giảm từ 50% xuống 48,3%; Tỷ lệ hiểu biết về Luật tăng từ 44,8% lên 69,9%; Tỷ lệ hiểu biết về tác hại của thuốc lá tăng từ 68% lên 92%...
Những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn. Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao năng lực về PCTH thuốc lá để tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc, tư vấn cai nghiện thuốc lá, giảng dạy về PCTH thuốc lá, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật PCTH thuốc lá. Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả...”
Tính đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được các mục tiêu chính: 100% lãnh đạo cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 100% cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc hiểu biết về quy định của luật PCTH của thuốc lá; 97% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 96% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; hàng trăm trường học các cấp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học...