Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Xuất nhập khẩu năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục đạt được những thành tích nổi bật khi nhu cầu thị trường tiếp tục gia tăng, lạm phát ở nhiều thị trường giảm...

TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương.

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương

Thưa ông, năm 2024 đang dần khép lại với những kết quả xuất nhập khẩu rất khả quan khi kim ngạch dần tiệm cận con số 800 tỷ USD. Ông nhận định gì về bức tranh của xuất nhập khẩu trong năm 2025?

Năm 2024 được coi là một năm thắng lợi của hoạt động xuất nhập khẩu khi nhu cầu thế giới đang dần hồi phục sau 2 năm khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá nông sản tăng cao cũng giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng. Đặc biệt, sự vào cuộc của các bộ ngành, trong đó đặc biệt là vai trò Bộ Công Thương trong xây dựng các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp; sự chuẩn bị kịp thời, bài bản của doanh nghiệp cũng giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc.

Bàn đạp của năm 2024 sẽ tạo ra những động lực mới cho năm 2025. Theo đó, tôi cho rằng, năm 2025, xu hướng của thế giới là sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực hơn, nhu cầu hàng hóa sẽ tiếp tục đi lên, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu mạnh đến các thị trường.

Tuy nhiên, sự phục vụ chưa thể bền vững vì tình hình lạm phát trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình chiến sự trên thế giới còn diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến hoạt động giao thương nói chung.

Chưa kể, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với những chính sách mới sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bởi lẽ Tổng thống Donald Trump sẽ có những chính sách bảo vệ cho hàng sản xuất trong nước, đây là sẽ là khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt.

Xuất nhập khẩu nhiều ngành hàng khởi sắc (Ảnh: Cấn Dũng)

Xuất nhập khẩu nhiều ngành hàng khởi sắc (Ảnh: Cấn Dũng)

Câu chuyện hàng rào xanh đã được nhắc đến rất nhiều lần trong thời gian qua. Vậy ông đánh giá gì về những rào cản của xuất khẩu xanh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Gần đây, EU đã lùi lại thời gian áp dụng Luật Chống phá rừng của EU (EUDR). Thay vì áp dụng vào đầu năm 2025 thì Thỏa thuận đồng thuận xác định thời điểm luật có hiệu lực sẽ là ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ bắt đầu thực thi luật chống phá rừng vào cuối năm 2025 và doanh nghiệp vừa và nhỏ là giữa năm 2026.

Động thái này của EU cho thấy hàng rào xanh dựng lên cho hàng hóa nhập khẩu là xu hướng không thể đổi khác. Lý do của tình trạng này là do tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt. EU đã trở thành thị trường đi đầu trên thế giới, dùng sức mạnh của nhà nhập khẩu để áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp buộc phải coi đó là điều đương nhiên, cần thiết và buộc phải đáp ứng được vì đây là xu thế không thể đổi khác.

Theo đó, doanh nghiệp cần sử dụng các loại nguyên liệu có thể tái chế được để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu có thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của thị trường nhập khẩu.

Với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức canh tranh của mình với các “đối thủ”.

Phòng vệ thương mại cũng được nhận định sẽ tiếp tục là xu hướng mà các thị trường dựng lên để bảo vệ hàng hóa nhập khẩu. Ông cho rằng, giải pháp nào sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua hàng rào phòng vệ thương mại trong thời gian tới?

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng ở vị trí 23. Ở chiều nhập khẩu, trong 30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22 với 326 tỷ USD, chiếm 1,3% tỷ trọng nhập khẩu toàn cầu.

Như vậy, Việt Nam đã là một trong những cường quốc về xuất nhập khẩu và buộc phải coi hàng rào phòng vệ thương mại là điều bắt buộc phải đối diện trong hoạt động xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp phải sẵn sàng hồ sơ và sẵn sàng ứng phó nếu hàng hóa của mình không may bị vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong cảnh báo sớm phòng vệ thương mại. Đây là hoạt động mà Bộ Công Thương đã làm tương đối tốt thời gian qua. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Song song với đó, cơ quan chức năng cũng cần làm tốt việc bảo vệ hàng hóa trong nước, sẵn sàng kiện nếu như các nước có hành vi vi phạm ở nước ta. Phòng vệ thương mại thực hiện tốt cả trong và ngoài nước sẽ giúp mang lại sức cạnh tranh lớn cho hàng Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buc-tranh-sang-cho-hoat-dong-xuat-nhap-khau-nam-2025-364759.html