Kết quả giảm nghèo bền vững ở Văn Bàn

Sau 5 năm thực hiện Đề án 06 về giảm nghèo bền vững huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 06), tỷ lệ giảm nghèo của huyện vượt so với kế hoạch đề ra, tạo ra động lực thi đua thoát nghèo với tư duy sản xuất ngày càng đổi mới của nông dân.

Vùng nông thôn Văn Bàn đã có nhiều đổi thay.

Vùng nông thôn Văn Bàn đã có nhiều đổi thay.

Khi thực hiện Đề án 06, huyện Văn Bàn có 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, giao thông xuống cấp, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp bị hạn chế, nhiều người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Xác định rõ những thách thức trên, Văn Bàn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể với 8 nhiệm vụ, như giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo và tái nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động... Huyện Văn Bàn cũng chủ trương lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy tối đa nguồn lực, coi trọng việc gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Theo kiểm tra sự phát triển của tằm giống.

Ông Nguyễn Văn Theo kiểm tra sự phát triển của tằm giống.

Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ qua, Văn Bàn đã huy động hơn 229 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo để thực hiện các mục tiêu như xóa 870 nhà tạm, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động... Nhờ đó, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng 2,1 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% đầu nhiệm kỳ xuống còn 9,5% vào năm 2020 (bình quân giảm 5,14%/năm).

Thực hiện Đề án 06, mỗi xã có cách làm riêng nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Những năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Theo ở thôn Liêm, xã Liêm Phú chỉ canh tác lúa, thu nhập ổn định nhưng không cao. Năm 2019, thông qua mô hình trồng dâu nuôi tằm có sự hỗ trợ từ dự án giảm nghèo của huyện, gia đình ông chuyển 1 ha đất cấy lúa năng suất thấp sang trồng dâu để có nguồn thức ăn ổn định cho tằm giống. Ông Theo cho biết, nuôi tằm, trồng dâu mỗi tháng mang về nguồn thu cho gia đình hơn 10 triệu đồng, qua đó tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/ngày.

Ông Theo nuôi tằm ngày càng nhiều hơn, nhưng cũng như 10 hộ khác trong thôn, ông không lo về đầu ra bởi các hộ nuôi tằm đều là thành viên của Hợp tác xã Bình Phú, được cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, sản phẩm được hợp tác xã thu mua toàn bộ.

Mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm chỉ là một trong rất nhiều mô hình, dự án xã Liêm Phú đang triển khai theo Đề án 06 của Huyện ủy Văn Bàn. Có thể kể đến các mô hình liên kết trồng khoai tây giống, trồng nghệ vàng, bưởi Diễn, quế hữu cơ... Ông Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú cho biết: Liêm Phú đã thành lập được 4 hợp tác xã trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp theo hình thức liên kết. Chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối và giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vốn, cây giống, con giống, từ đó tạo sinh kế cho bà con vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê, giá trị canh tác của xã Liêm Phú từ 50 triệu đồng năm 2015 tăng lên 76 triệu đồng/ha năm 2019, thu nhập của người dân đạt 33,5 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.

Người dân Hòa Mạc chăm sóc cây ớt.

Người dân Hòa Mạc chăm sóc cây ớt.

Còn tại xã Hòa Mạc, công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do đó, các dự án giảm nghèo được quan tâm đầu tư, thực hiện đồng bộ. Xã đã tập trung lãnh đạo, vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, như vùng trồng khoai tây, vùng trồng gai xanh, vùng trồng ớt, rau vụ đông...

Nhờ triển khai Đề án 06 của Huyện ủy mà xã Hòa Mạc có điều kiện tập trung giải quyết việc làm gắn với xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm mới, giải quyết việc làm. Tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Mạc đã giảm từ 19,8% (năm 2015) xuống 5,8% (năm 2019), đạt 140% so với mục tiêu đại hội.

Là đơn vị được giao chủ trì Đề án 06, Phòng Lao động,- Thương binh và Xã hội huyện đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đảm bảo đến tận cơ sở, từng hộ. Ông Nguyễn Văn Bàn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đánh giá: Ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn những năm qua được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc có nhiều hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Theo thống kê của cơ quan thường trực đề án giảm nghèo, tổng nguồn lực thực hiện Đề án 06 về giảm nghèo bền vững huyện Văn Bàn, giai đoạn 2016 - 2020 là 228 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao, vùng khó khăn cũng được địa phương triển khai hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo tại huyện Văn Bàn.

Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Văn Bàn phấn đấu mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đồng thời xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, giảm nghèo có địa chỉ. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân cùng nỗ lực phấn đấu giảm nghèo bền vững.

Ngân Hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/ket-qua-giam-ngheo-ben-vung-o-van-ban-z36n20200902104249319.htm