Kết quả không thuyết phục, Miss Grand International 'thiệt hại' thế nào khi bị fan sắc đẹp phản ứng?
Với kết quả chung cuộc không mấy thuyết phục, Miss Grand International bị đổi tên thành 'Hoa hậu Hòa bình gánh xiếc', các nền tảng mạng xã hội tụt giảm 'chóng mặt'.
Tối 25/10, đêm chung kết Miss Grand International 2022 đã khép lại với chiến thắng thuộc về đại diện của Brazil - Isabella Menin. Cô đã có chiến thắng vô cùng thuyết phục khi luôn hoàn thành xuất sắc mọi phần thi.
Isabella Menin sở hữu ngoại hình được đánh giá là "Best Face" của cuộc thi năm nay: chiều cao 1m78, số đo 3 vòng siêu mẫu 83-59-89; đồng thời cô có học vấn "không phải dạng vừa": cử nhân Kinh tế, Thạc sĩ tài chính tại Đại học London College và là nhà hoạt động xã hội hỗ trợ những người khuyết tật với dự án mang tên Beyond.
Khán giả tỏ ra hài lòng với việc Isabella Menin nhận được vương miện danh giá, nhưng đồng thời họ cũng cảm thấy bức xúc, tranh cãi với vị trí trong Top 5, đặc biệt khi ví trí Á hậu 1 và Á hậu 2 lần lượt thuộc về Engfa Waraha và Andina Julie.
Theo đó, đại diện Cộng hòa Séc chỉ nhận vị trí Á hậu 4 mặc dù cô sở hữu đủ 3 yếu tố mà chủ tịch Nawat yêu cầu - đó là Body, Beauty và Brain. Không chỉ có vậy, Miss Grand Venezuela cũng phải chịu tình cảnh tương tự và "về đích" với vị trí Á hậu 3.
Trong khi đó, không sở hữu cả chiều cao lẫn kỹ năng ngoại ngữ xuất sắc nhưng Engfa Waraha và Andina Julie lại tiến vào Top 3 chung cuộc. Fan sắc đẹp cho rằng đây là hành động "dọn đường" của ban tổ chức bởi Engfa Waraha là đại diện của Thái Lan còn Andina Julie lại là nước chủ nhà Indonesia.
Cả hai thí sinh đều có lượng người hâm mộ hùng hậu nhưng kỹ năng lại không được fan sắc đẹp công nhận. Nội dung trả lời ứng xử của Engfa và Andina không được đánh giá cao như hai đại diện đến từ Cộng hòa Séc và Venezuela. Thậm chí, khi nhận câu hỏi Hoa hậu Hòa bình năm nay: "Nếu bạn được nói với tổng thống Nga, thì bạn sẽ nói điều gì?" - đại diện Thái Lan gọi thẳng tên tổng thống Nga và phần trả lời khiến fan cho rằng kém tinh tế, không "hòa bình".
Bên cạnh đó, việc đại diện Việt Nam - Đoàn Thiên Ân trượt Top 10 - dù trước đó cô được đánh giá khá cao cũng khiến fan sắc đẹp tiếc nuối. Đoạn video phía sau hậu trường được chuyên gia trang điểm Quân Nguyễn chia sẻ, Hoa hậu Thùy Tiên an ủi đàn em, Thiên Ân bật khóc nức nở và nói: "Em không tin nổi mình trượt top 10".
Trên nhiều diễn đàn, fan sắc đẹp phản ứng: "Cuộc thi Hòa bình nhưng đưa câu hỏi ứng xử chính trị nhạy cảm, thí sinh xúc phạm nguyên thủ quốc gia, cuộc thi xúc phạm cuộc thi khác, thí sinh không biết tiếng Anh vẫn top đầu;...
Nhiều nghi vấn "mua giải" được đặt ra? Trước đó, trên một fanpage của Brazil chỉ trích Chủ tịch Miss Grand International toàn quyền quyết định ai sẽ đứng kế ông ta trong ảnh chụp nhóm và công khai ủng hộ đại diện nước mình và luôn luôn kì thị người chuyển giới.
Ngay sau đó, trên trang instagram chính thức của cuộc thi đăng tải dòng trạng thái đại ý: "Sân khấu lớn không bán vương miện. Muốn mua thì đi chỗ khác chơi".
Với kết quả chung cuộc không mấy thuyết phục, cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) đã bất ngờ bị đổi tên thành... Hoa hậu hòa bình quốc tế gánh xiếc trung ương trên Wikipedia. Dù biết đây chỉ là hành động của một vài thành phần quá khích nhưng cũng cho thấy được sự phẫn nộ của phần lớn khán giả.
Không chỉ thế, các nền tảng mạng xã hội của Miss Grand International 2022 "trượt giá" đáng kể: Instagram từ 6,5 triệu người theo dõi, chỉ sau vài tiếng đã "bay màu" chỉ còn 4,6 triệu; fanpage và tik tok cũng không tránh khỏi cảnh này. Dư luận cho rằng, với sự bức xúc của fan sắc đẹp, lượng người theo dõi sẽ còn giảm mạnh trong thời gian sắp tới.