Kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm ngân hàng tốt hơn kỳ vọng
Nhóm phân tích SSI đã điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng lên 9,2% và 10,5% cho năm 2020 và năm 2021, tương ứng đạt 110.700 tỷ đồng và 129.300 tỷ đồng.
13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu trong báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý 3 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 29.700 tỷ đồng (tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước).
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung Tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI: “Thoạt nhìn, kết quả trên có vẻ thấp so với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ấn tượng của quý 2 (tăng 24,6% với cùng kỳ). Nhưng trên thực tế, nguyên nhân tác động kết quả này là do mức sụt giảm 21% lợi nhuận trước thuế riêng của VCB (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) trong quý 3 đã ảnh hưởng tiêu cực đến số liệu chung của toàn ngành.”
Ngân hàng tư nhân là động lực chính
Bà Phương dẫn chứng nếu loại trừ VCB, lợi nhuận trước thuế của nhóm ngành ngân hàng được cải thiện ở mức 14,7% so với cùng kỳ, nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh 14% và sự gia tăng thấp hơn của chi phí dự phòng và chi phí hoạt động (tương ứng 5,7% và 10% so với cùng kỳ).
Trên thị trường có điểm khác biệt cần chú ý, đó là mức trích lập dự phòng giữa ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, cụ thể VCB và CTG (Ngân hàng Công Thương Việt Nam) có mức trích lập dự phòng tăng từ 35% đến 39%, song nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại giảm 10,7% so với cùng kỳ.
Theo tính toán của SSI, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của nhóm 13 ngân hàng này đạt 86.200 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với mức tăng 26,9% cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế gặp khó khăn do dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, kết quả trên cho thấy hoạt động của ngành ngân hàng đang vượt trội hơn so với các ngành khác. Hiện, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tư nhân đang là động lực chính của toàn ngành với mức tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ.
Tín dụng tăng trưởng tốt
Theo số liệu của SSI, tổng tín dụng của nhóm ngành ngân hàng trong quý 3 tăng thêm khoảng 153.300 tỷ đồng và cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý 2. Nhờ vậy, tín dụng tại thời điểm cuối quý 3 đã tăng khoảng 7,5% so với đầu năm. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Nhà nước có mức tăng trưởng khá khiêm tốn 3,4%.
Trong quý 3, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất hiện nay là 23% ở TCB (Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam), TPB (Ngân hàng Tiên Phong) và VIB (Ngân hàng Quốc tế Việt Nam).
“Chúng tôi cũng nhận thấy có sự gia tăng tốc độ giải ngân tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, cụ thể tăng 12,9% so với đầu năm. Thời gian qua, hoạt động cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng tốt và hoạt động vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi ở các ngân hàng BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), MBB (Ngân hàng Quân đội) và HDB (Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh),” bà Phương đánh giá.
Theo đó, nhóm phân tích của SSI đưa ra mức dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ đạt từ 9%-10% so với đầu năm và họ cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào tháng cuối năm. Trên thị trường, các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, trong khi đó lãi suất huy động tại các ngân hàng đã được cắt giảm từ 20-40 điểm phần trăm trong tháng 10. Nhờ vậy, biên độ lãi ròng của toàn ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện trong quý này và các quý đầu năm sau.
Về triển vọng chung của ngành ngân hàng, bà Phương cho rằng sẽ tốt hơn so với ước tính trước đây, do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19.
Cụ thể, nhóm phân tích của SSI đã điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng lên 9,2% và 10,5% cho năm 2020 và năm 2021, tương ứng đạt 110.700 tỷ đồng (tăng 2,7% so với cùng kỳ) và 129.300 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước ước giảm 6,2% trong năm 2020, sau đó phục hồi 21,8% trong năm 2021. Và, lợi nhuận trước thuế của các nhóm ngân hàng cổ phần ước tính tăng trưởng 9,3% trong năm 2020 và tăng 13,7% trong năm 2021.
“Chúng tôi đánh giá khả quan đối với triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Các yếu tố hỗ trợ tích cực liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong quý 4. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro giảm cũng cần phải tính đến, bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự tính và dịch COVID-19 bùng phát trở lại."
"Những yếu tố này có thể khiến chi phí dự phòng của ngành ngân hàng tăng nhanh trong quý 4. Trong khi, việc trích lập dự phòng là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong các năm 2021 trở đi,” bà Phương cho biết./.
Kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng trong quý 3