Kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hà Nam đạt 66,47 điểm, tăng 2,47 điểm và tăng 10 bậc so với năm 2022. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của nhóm các chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng, trong đó có chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là chỉ số được ghi nhận có sự tăng điểm số và thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI tỉnh Hà Nam.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh.

Nhiều chỉ tiêu cơ sở tăng mạnh về điểm số và thứ hạng

Với điểm số là 7,1 điểm, năm 2023, Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nam tăng 1,42 điểm và tăng 29 bậc so với năm 2022. Đây là một trong các chỉ số thành phần PCI tăng cả về điểm số và thứ hạng với mức tăng đạt cao so với những năm gần đây. Trong tổng số các chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nam có tới 9/13 chỉ tiêu (chiếm 69,23%) nằm ở top 20 tỉnh dẫn đầu cả nước; 3/13 chỉ tiêu (chiếm 23,08%) đứng ở nhóm giữa bảng xếp hạng (từ vị trí 21 đến 50 tỉnh, thành phố cả nước); 1/13 chỉ tiêu (chiếm 7,69%) đứng ở top cuối bảng xếp hạng (từ vị trí 51 đến 63 tỉnh, thành phố).

Năm 2023, tỉnh Hà Nam có tới 11/13 chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được cải thiện so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục tiếp cận cần được giải quyết dễ thực hiện đạt cao. Cụ thể, có nhiều chỉ tiêu cơ sở có tỷ lệ từ 80% trở lên doanh nghiệp được hỏi đánh giá là dễ thực hiện như: 86% doanh nghiệp đánh giá thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp là dễ thực hiện, tăng 22% so với năm 2022 (tăng 30 bậc, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố); 86% doanh nghiệp cho rằng thủ tục để được đánh giá thuê mặt bằng tại khu, cụm công nghiệp là dễ thực hiện, tăng 18% so với năm 2022 (tăng 49 bậc, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố); 88% thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước là dễ thực hiện, tăng 1% so với năm 2022 (tăng 16 bậc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố); 91% doanh nghiệp cho rằng thủ tục để được miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động dễ thực hiện, tăng 12% so với năm 2022 (tăng 27 bậc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố)…

Như vậy, trong thực hiện Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2023, tỉnh Hà Nam chỉ còn 2/13 chỉ tiêu cơ sở chưa có sự cải thiện điểm số và thứ hạng gồm: 63% doanh nghiệp cho rằng vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do được cơ quan nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả, vẫn duy trì số điểm như năm 2022 (giảm 34 bậc, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố); tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp đạt 0,67% như năm 2022 (xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố).

Giải pháp nâng cao chất lượng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện chỉ số này, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách; thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để doanh nghiệp đóng góp ý kiến và chủ động tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính… thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công thương đã bám sát chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI để xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm. Đối với lĩnh vực quản lý của mình, Sở Công thương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Hằng năm, Sở Công thương đều tổ chức các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung – cầu, hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, sở còn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thúc đẩy sản xuất thông qua chương trình khuyến công quốc gia và địa phương; hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ, thủ tục hưởng ưu đãi trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ; vận hành, khai thác có hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác…

Hà Nam hiện có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ một cách thường xuyên, có chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI, năm 2024 Hà Nam sẽ duy trì và phát huy những chỉ số thành phần PCI tăng điểm, tăng thứ hạng, trong đó có Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Sở Công thương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sở Công thương tích cực nghiên cứu các chương trình hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại quốc tế khác, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp kịp thời vướng mắc về các hiệp định thương mại tự do cho các doanh nghiệp. Đồng thời, giới thiệu, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình hội nhập; đề xuất giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ hàng hóa của tỉnh đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và định hướng xuất khẩu.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn luật; thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư…, phấn đấu cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI năm 2024 về điểm số và thứ hạng; duy trì Chỉ số PCI trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/ket-qua-noi-bat-trong-thuc-hien-chi-so-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-130297.html