Vì sao cần duy trì hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản?

Việc tiếp tục duy trì hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản không làm phát sinh bộ máy, biên chế.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong số các nội dung nhận được sự quan tâm ở dự thảo Luật lần này là quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản.

Khai thác khoáng sản

Khai thác khoáng sản

Có ý kiến đề nghị giữ quy định hiện hành về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia để bảo đảm việc công nhận kết quả thăm dò khoáng sản khách quan, minh bạch; làm rõ trách nhiệm của Hội đồng đối với sai số trữ lượng quá lớn.

Tiếp thuý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia như Luật Khoáng sản năm 2010, vì các lý do sau: Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia được thành lập từ năm 1970. Tài nguyên khoáng sản là tài sản công, do Nhà nước thống nhất quản lý; trước khi giao tài sản cho tổ chức, cá nhân khai thác thì Nhà nước phải xác định được loại, quy mô, giá trị mỏ khoáng sản thông qua công tác công nhận trữ lượng.

Bên cạnh đó, trữ lượng được công nhận liên quan đến nhiều thông tin chuyên ngành sâu về kinh tế, công nghệ, môi trường. Để bảo đảm tính khách quan, toàn diện, yêu cầu phản biện thì cần có sự tham gia của các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; các nhà khoa học, chuyên gia.

Vì vậy, cần phải có một cơ quan nhà nước độc lập, chịu trách nhiệm công nhận báo cáo kết quả thăm dò. Việc tiếp tục duy trì hoạt động của Hội đồng không làm phát sinh bộ máy, biên chế.

Bên cạnh đó, chất lượng phê duyệt trữ lượng khoáng sản phụ thuộc vào nhiều hoạt động, kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản có độ tin cậy nhất định, mức độ sai số có thể từ 20% đến 50% tùy theo cấp trữ lượng thăm dò. Thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến, quan điểm trước Hội đồng và Hội đồng chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 53 giao Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-can-duy-tri-hoat-dong-cua-hoi-dong-danh-gia-tru-luong-khoang-san-344317.html