Kết quả phúc thẩm vụ 'cho thuê rồi mất đất' ở Hòa Bình: Tòa cấp sơ thẩm vi phạm thẩm quyền thụ lý, xét xử
Mới đây, TAND tỉnh Hòa Bình đã đưa vụ kiện 'Tranh chấp quyền sử dụng đất' của bà Nguyễn Thị Hạnh (trú tổ 1A, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) ra xét xử phúc thẩm và quyết định tuyên hủy Bản án sơ thẩm của TAND TP Hòa Bình do đã thụ lý và xét xử sai thẩm quyền.
Như Báo PLVN đã phản ánh, năm 1988, vợ chồng bà Hạnh được TCty Sông Đà chia cho một “căn hộ tập thể” (nay thuộc tổ 1A, phường Tân Thịnh) diện tích 200m2, gồm đất ở và đất vườn. Năm 2006, gia đình bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) diện tích 90m2; hơn 100m2 còn lại chưa được cấp sổ.
Năm 2009, bà Hạnh xây nhà trên diện tích đã được cấp sổ, phần còn lại xây nhà cấp 4 và tường rào bảo vệ xung quanh. Năm 2010 bà cho bà Nguyễn Thị Oanh (cùng trú tổ 1A) thuê lại toàn bộ nhà đất trên.
Năm 2014, bà đề nghị thanh lý hợp đồng thuê thì phát hiện bà Oanh đã tự ý xây dựng nhà ở, quán bán hàng... trên phần diện tích hơn 100m2. Qua tìm hiểu, bà Hạnh phát hiện diện tích 104,4m2 đất đã được UBND TP Hòa Bình cấp GCN số BQ 198589 ngày 8/10/2013 cho bà Oanh (thửa số 225, tờ bản đồ số 17). Sau đó bà Oanh đã làm thủ tục tặng cho con gái Nguyễn Thị Thanh Huyền 52m2 trong thửa đất số 225. Ngày 17/10/2013, bà Huyền được cấp GCN số 198641. Cùng ngày, bà Oanh được cấp GCN mới diện tích 52,4m2.
Bà Hạnh kiện bà Oanh đòi lại đất, đề nghị tuyên hủy các GCN đã cấp cho mẹ con bà Oanh.
Ngày 20/5/2019, TAND TP Hòa Bình đưa vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” ra xét xử, bác yêu cầu khởi kiện của bà Hạnh đối với bà Oanh về việc đòi lại một gian nhà cấp 4 và diện tích đất 104,4m2 tại tổ 1A. Không đồng tình, bà Hạnh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 13/1/2020, TAND tỉnh Hòa Bình đưa vụ án ra xử phúc thẩm và nhận định đây là vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất” và có yêu cầu hủy GCN đã cấp, theo quy định tại khoản 9 Điều 26, khoản 4 Điều 34 BLTTDS, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp tỉnh. Việc TAND TP Hòa Bình thụ lý, xét xử vụ án là vi phạm về thẩm quyền.
Mặt khác, cấp sơ thẩm giải quyết xử bác yêu cầu khởi kiện của bà Hạnh với bà Oanh là chưa có cơ sở vững chắc; bởi diện tích đất trên có từ thời điểm vợ chồng bà Hạnh đến sinh sống tại gian nhà của Công ty khảo sát thiết kế phân chia năm 1988 bao gồm diện tích đã được cấp GCN, phần đầu hồi. Cấp sơ thẩm có sai sót khi giải quyết vụ án khi chưa tiến hành điều tra, xác minh làm rõ phần đất đầu hồi trước khi giải tỏa làm cầu Hòa Bình ai là người sử dụng, diện tích sử dụng cụ thể là bao nhiêu, sau khi giải tỏa diện tích còn lại là bao nhiêu. Chưa thu thập sơ đồ giải thửa, chưa tiến hành đối chất giữa bà Oanh, bà Hạnh và các nhân chứng. Trường hợp bà Hạnh là người sử dụng đất trước thời điểm ngày 15/10/1993, khi UBND thu hồi đất mà không có quyết định thu hồi, không tiến hành bồi thường cho bà Hạnh là không đúng pháp luật.
Ông Phạm Văn Tích (chồng bà Hạnh) là người đứng tên trong GCN với diện tích được cấp, diện tích này có liên quan đến phần đất đang tranh chấp nhưng cấp sơ thẩm không đưa ông Tích vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là bỏ sót người tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Hơn nữa, hồ sơ cấp đất cho bà Oanh giả mạo biểu mẫu xác nhận của các hộ liền kề về việc xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, từ đó dẫn đến việc UBND TP Hòa Bình đã cấp GCN cho bà Oanh, cán bộ UBND phường Tân Thịnh trực tiếp thực hiện đã bị xử lý kỷ luật. Do đó, GCN đã cấp cho bà Oanh cần phải xem xét lại, thực hiện đúng quy định pháp luật.
Xác định bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà Hạnh và quyết định tuyên hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DSST ngày 20/5/2019 của TAND TP Hòa Bình để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định.