Kết quả sau 5 năm thực hiện Luật Công chứng
Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20-6-2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Công chứng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để triển khai thi hành Luật Công chứng được đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức nhiều hội nghị triển khai luật này cho lãnh đạo UBND các cấp cùng đại diện các cơ quan, sở, ban ngành, đoàn thể và công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các chương trình giới thiệu, phỏng vấn, phóng sự, tọa đàm… về đề tài công chứng, phát hành 600 sổ tay pháp luật về công chứng; phổ biến quy định pháp luật về công chứng qua việc đăng tải thông tin trên chuyên mục Báo Sóc Trăng, trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý... Các sở, ban ngành, đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền Luật Công chứng trong sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị mình; tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết và thực hiện pháp luật về công chứng khi thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động công chứng.
Tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng đến người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: niêm yết bộ thủ tục hành chính về công chứng, mức trần thù lao công chứng, thù lao dịch thuật tại trụ sở, nội quy, quy trình công chứng; trong quá trình hành nghề, các công chứng viên tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành nghề công chứng; giải thích cho người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng. Ngoài ra, một số tổ chức hành nghề công chứng còn tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng trong “Ngày pháp luật” do Sở Tư pháp tổ chức. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng đa dạng nêu trên, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên rà soát các văn bản do địa phương ban hành liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND, ngày 15-10-2019 quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thay cho Quyết định số 182/QĐ-UBND, ngày 20-1-2015 của UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quy định tiêu chí, cách thức thẩm định và xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ công chứng, chứng thực với sự tham gia của UBND cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức tín dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường, văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh, các tổ chức hành nghề công chứng nhằm tập huấn, trao đổi, thảo luận và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng, chứng thực như: việc cung cấp thông tin đất đai, sửa lỗi kỹ thuật trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng thế chấp, thừa kế, chứng thực chữ ký, đăng ký biện pháp bảo đảm. Thông qua các buổi tập huấn đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, thống nhất cách giải quyết đảm bảo trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 10 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động với 17 công chứng viên đang hành nghề. Năm 2021, tổng số việc công chứng là 25.425; chứng thực bản sao từ bản chính 29.284; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản 1.373 việc. Chất lượng công chứng viên nhìn chung đáp ứng được yêu cầu, nhất là các công chứng viên được đào tạo nghề, tập sự và trải qua kỳ kiểm tra có chất lượng tương đối tốt. Đặc biệt với sự phát triển của các tổ chức ngành nghề công chứng tư nhân thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân, đảm bảo an toàn pháp lý về các giao dịch dân sự, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Luật Công chứng năm 2014 cơ bản khắc phục được những vướng mắc trong hoạt động công chứng của Luật Công chứng 2006; quy định rõ hơn về tổ chức hành nghề công chứng; trách nhiệm, nghĩa vụ của công chứng viên; hoạt động hành nghề công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” được xã hội đồng tình cao, giảm tải được số lượng vụ việc cho các phòng công chứng nhà nước, tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn khi có nhu cầu công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên có sự phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Hội Công chứng viên tỉnh được thành lập phát huy tính tự quản trong hoạt động công chứng đã được hoàn thiện một bước. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường chặt chẽ hơn, tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên hoạt động ổn định so với các năm trước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức”.