Tỉnh táo tránh chiêu lừa bằng 'sổ đỏ' giả

Hiện nay, vấn nạn giấy tờ giả, nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là 'sổ đỏ') giả diễn ra ngày càng tinh vi. Thông qua 'sổ đỏ' giả, các đối tượng đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, nổi lên là tình trạng dùng 'sổ đỏ' giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thị Uyến tại phiên tòa xét xử ngày 5-11-2024. Ảnh: T.Tâm

Bị cáo Nguyễn Thị Uyến tại phiên tòa xét xử ngày 5-11-2024. Ảnh: T.Tâm

Nguyên nhân được xác định là do người dân chủ quan trong các giao dịch liên quan đến đất đai, thiếu sự xác minh từ cơ quan chức năng, trong khi các đối tượng thực hiện hành vi rất tinh vi, khó phát hiện…

“Sập bẫy” lừa đảo từ “sổ đỏ” giả

Giấy tờ giả được nhiều đối tượng sử dụng làm công cụ phạm tội. Việc sử dụng giấy tờ giả không chỉ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính, mà còn khiến các bị cáo phải bị xử lý trước pháp luật. Trong đó có một số đối tượng sử dụng “sổ đỏ” giả cầm cố để thực hiện việc lừa đảo.

Đơn cử, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 6-2022, do cần tiền tiêu xài nên Nguyễn Thị Uyến (42 tuổi, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) đã sử dụng 2 “sổ đỏ” giả có diện tích đất 600m2 tại phường Tân Phong để lừa bán cho 3 bị hại, chiếm đoạt gần 1,7 tỷ đồng. Với hành vi này, vào ngày 5-11, bị cáo Uyến đã bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tương tự, bị cáo Bùi Vũ Linh (29 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) đã dùng giấy tờ giả để “qua mặt” bị hại và chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng.

Cụ thể, do cần tiền tiêu xài, Linh làm 3 “sổ đỏ” giả (các mảnh đất thể hiện trong “sổ đỏ” giả đều thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) rồi đem cầm cố cho bà N.T.K.N. (53 tuổi, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) lấy 3,5 tỷ đồng. Đến ngày 17-4-2023, hành vi của Linh bị phát hiện và Linh bị bắt giữ. Ngày 11-9, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Linh tổng hình phạt 18,5 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng sau khi đã cầm cố “sổ đỏ” thật vào ngân hàng để vay tiền thì đặt làm một “sổ đỏ” giả khác để cầm cố cho người khác ngoài xã hội. Để rồi khi bị phát hiện thì phải lãnh hậu quả nặng nề.

Điển hình, cuối tháng 6-2024, Trần Văn Phúc (28 tuổi, ngụ xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh) và Phạm Ngọc Diễm (51 tuổi, mẹ bị cáo Phúc) đã bị TAND tỉnh tuyên phạt lần lượt là 15 năm và 8 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Bị cáo Phúc khai tại phiên tòa, để có tiền tiêu xài và đầu tư chứng khoán, Phúc lên mạng xã hội đặt làm 3 “sổ đỏ” giả các thửa đất tại xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) mang tên mẹ là bị cáo Diễm. Đây là các thửa đất đã được bị cáo Diễm thế chấp “sổ đỏ” thật tại ngân hàng để vay tiền. Sau đó, mẹ con bị cáo Phúc đem 3 “sổ đỏ” giả thế chấp vay tiền và chiếm đoạt gần 1,1 tỷ đồng của các bị hại.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì phạt từ 30-100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, hành vi này có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Tăng cường giải pháp chấn chỉnh vấn nạn “sổ đỏ” giả

Việc sử dụng giấy tờ giả nói chung, “sổ đỏ” giả nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng thường sử dụng giấy tờ giả lừa các bị hại trong các giao dịch mua bán, thế chấp nhà, đất…

Đáng chú ý, qua một số vụ án TAND tỉnh đưa ra xét xử cho thấy có tình trạng một số văn phòng công chứng thực hiện việc chứng thực giao dịch mua bán đất đai dù các đối tượng mua bán tài sản bằng “sổ đỏ” giả. Với thực trạng này, TAND tỉnh đã kiến nghị đến cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công chứng trên địa bàn.

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức hành nghề công chứng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện hành vi vi phạm. Đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xử lý nghiêm hành vi công chứng khống, hành vi thông đồng với khách hàng để công chứng không đúng giá mua bán, chuyển nhượng, nhất là đối với các hợp đồng mua bán phương tiện giao thông, đất đai, nhà ở…

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và nội quy của Hội Công chứng viên tỉnh; kịp thời phát hiện các trường hợp hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng và nội quy của hội để xử lý theo thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định…

Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho biết, thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án cho thấy, thủ đoạn làm và sử dụng “sổ đỏ” giả rất tinh vi. Các đối tượng làm giả đã sử dụng kỹ thuật vi tính, công nghệ cao để làm các loại giấy tờ giả. Đối với việc giao dịch, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội để quảng bá và tìm khách hàng.

Do đó, theo ông Sơn, để ngăn chặn vấn nạn “sổ đỏ” giả xuất hiện tràn lan, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi người dân phải cẩn trọng trong xác thực các loại giấy tờ khi mua bán, vay mượn. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả, cần trình báo cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202411/tinh-tao-tranh-chieu-lua-bang-so-do-gia-08b0f96/