Kết quả sơ bộ ban đầu về 2 chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh: Toàn bộ đinh đóng thuyền bằng gỗ
Liên quan đến việc phát hiện 2 chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh, mới đây Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật.

Khu vực phát hiện chiếc thuyền cổ "song thân"
Khu vực phát hiện 2 chiếc thuyền cổ là chiếc ao trong khuôn viên nhà của một hộ dân ở khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh. Thời điểm chủ nhà tiến hành cải tạo chiếc ao này, khi tiến hành nạo vét bùn ở dưới đáy ao thì máy múc chạm phải vật thể lạ. Sau khi phát lộ dần hình ảnh vật thể lạ trông giống như chiếc thuyền với chiều dài "khủng", ngờ ngợ là cổ vật, chủ nhà quyết định thông báo với cơ quan chức năng.
Hiện Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cử các chuyên gia, đội ngũ có kinh nghiệm tiến hành công tác khai quật, khảo cổ khẩn cấp. Khu vực khoanh vùng để khai quật 2 chiếc thuyền cổ vào khoảng 1.000m2.
Tại cuộc hội thảo đánh giá nhanh được tổ chức mới đây tại Bắc Ninh, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, đóng góp ý kiến tập trung vào hai vấn đề: một là nhận định, đánh giá bước đầu về giá trị di tích; hai là đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuyền cổ.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát hiện trường khu vực đang tiến hành khai quật và nghiên cứu chiếc thuyền cổ (ảnh: Bắc Ninh online)
Tại hiện trường, trong vai trò chủ trì đoàn khai quật, TS. Phạm Văn Triệu thông tin, theo khảo sát và nhận định ban đầu thì nhiều khả năng đây không phải là 2 thuyền riêng biệt mà là 1 thuyền 2 đáy, còn gọi là "thuyền 2 lòng" hoặc "thuyền song thân". Kết cấu chiếc thuyền cổ này rất độc đáo không chỉ trong phạm vi trong nước mà với cả thế giới. Tuy đến thời điểm này còn phải chờ kết quả mẫu phân tích Carbon-14 cùng một số nghiên cứu liên quan khác mới có thể kết luận chính xác về niên đại chiếc thuyền này, song theo các chuyên gia thì đây là một trong những phát hiện có giá trị, quý hiếm và độc đáo nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam.
Chia sẻ thêm về kết cấu và vật liệu đóng thuyền, TS Phạm Văn Triệu cho biết, thuyền 2 đáy này có kích thước chiều dài 16,2m - rộng 2,25m - sâu khoảng 2,15m, được chia thành 6 khoang, đáy thuyền độc mộc, phía trên thân được ghép ván bằng mộng và chốt gỗ. Đặc biệt, 2 lòng thuyền được gắn kết với nhau rất chắc chắn ở phần mũi thuyền. Liên kết giữa 2 lòng thuyền được đánh giá là cực kỳ chắc chắn, kiên cố bằng kỹ thuật ghép mộng trình độ kỹ thuật cao. Đáng nói, toàn bộ đinh đóng thuyền đều bằng gỗ, không có bất cứ chỗ đinh nào bằng kim loại.Theo quan sát thì vật liệu được dùng để đóng chiếc thuyền cổ 2 đáy này có thể là gỗ Táu mật. Đây là một loại gỗ quý hiếm, rất cứng và chịu lực tốt, đường vân gỗ đẹp và đặc biệt tuổi thọ có thể lên đến hàng nghìn năm. Thân gỗ siêu cứng, thớ gỗ mịn và nhỏ, có màu nâu nhạt và để lâu ngày thì chuyển sang màu xám đen. Gỗ có khả năng chống chịu mối mọt tự nhiên và bền chắc với mọi điều kiện môi trường.

Các chuyên gia cũng xác định, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu toàn diện, mở rộng phạm vi khai quật, xác định không gian cảnh quan xung quanh, tìm hiểu mối liên hệ với không gian lân cận để nhận diện giá trị, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp. Hiện tại, phương án tối ưu nhất được các nhà khoa học gợi mở là bảo tồn cấp thiết tại chỗ do kích thước và trọng lượng của chiếc thuyền rất lớn. Việc bảo quản được gợi ý theo một số hướng như: khu vực cần có hệ thống mái che để tránh điều kiện thời tiết làm hư hỏng thuyền sau khi được phát lộ; xây dựng thành bể xung quanh khu vực phát lộ, có nước để bảo tồn nguyên trạng...
Dự kiến, quá trình khai quật chiếc thuyền cổ 2 đáy này sẽ được thực hiện trong vòng 1 tháng, từ nay đến ngày 3-4-2025