Có hay không 'thành phố ngầm' dưới kim tự tháp Ai Cập?

Tranh cãi gay gắt bùng nổ trong giới các nhà Ai Cập học sau khi các nhà nghiên cứu tuyên bố phát hiện ra một 'thành phố ngầm' dưới các Kim tự tháp Giza.

Nhóm các nhà khoa học Ý, do Giáo sư Corrado Malanga thuộc Đại học Pisa dẫn đầu, cho biết họ phát hiện ra một thế giới ngầm rộng lớn phía dưới các kim tự tháp Ai Cập.

Hình ảnh kim tự tháp Ai Cập. (Ảnh: AP)

Hình ảnh kim tự tháp Ai Cập. (Ảnh: AP)

Họ công bố hình ảnh radar cho thấy các giếng thẳng đứng khổng lồ, cầu thang xoắn ốc, các kênh giống như đường ống cấp nước. Tất cả tạo nên một thành phố lớn nằm sâu hơn 610m dưới mặt đất. Họ thậm chí còn gợi ý rằng “Hall of Records” huyền thoại, hoặc một thư viện được cho liên quan đến truyền thuyết Ai Cập cổ đại, có thể nằm trong khu phức hợp ngầm này.

Khi chúng tôi phóng to các hình ảnh [trong tương lai], các bạn sẽ thấy dưới đó không khác gì một thành phố ngầm”, nhóm nghiên cứu cho biết trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều bị thuyết phục bởi lý luận này. Giáo sư Lawrence Conyers, chuyên gia về radar tại Đại học Denver, gọi những tuyên bố này là một "sự phóng đại lớn". Ông cho biết các thiết bị được sử dụng từ sóng radar từ vệ tinh, tương tự như cách radar sonar được sử dụng để lập bản đồ đại dương – không thể xuyên sâu đến mức đó trong lòng đất.

Hình ảnh radar do nhóm phóng viên cung cấp. (Ảnh: AP)

Hình ảnh radar do nhóm phóng viên cung cấp. (Ảnh: AP)

Chia sẻ với Daily Mail, ông bày tỏ nghi ngờ về ý tưởng một thành phố ngầm, nhưng thừa nhận có thể sẽ tìm thấy cấu trúc nhỏ hơn dưới lòng các kim tự tháp. Ông nhấn mạnh "người Maya và các nền văn minh khác ở Trung Mỹ cổ đại thường xây dựng kim tự tháp trên lối vào của các hang động. Điều này mang ý nghĩa riêng đối với họ".

Cùng quan điểm, nhà khảo cổ học Ai Cập, tiến sĩ Zahi Hawass, chia sẻ với The National rằng các nhà nghiên cứu này "hoàn toàn sai," và cho rằng phát hiện của họ rất thiếu cơ sở khoa học.

Công trình của Giáo sư Malanga và các nhà nghiên cứu Filippo Biondi và Armando Mei đã được thảo luận trong một cuộc họp báo tại Ý vào tuần trước. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học này vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học đã qua thẩm định.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào Kim tự tháp Khafre, một trong ba kim tự tháp trong quần thể Giza, bên cạnh Kim tự tháp Khufu và Menkaure. Những công trình biểu tượng này được cho đã được xây dựng cách đây khoảng 4.500 năm và nằm ở bờ tây của sông Nile, phía bắc Ai Cập.

Quỳnh Anh (Nguồn: Euronews)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-hay-khong-thanh-pho-ngam-duoi-kim-tu-thap-ai-cap-ar934862.html