Kết quả Thi hành án dân sự đạt cao nhất từ trước đến nay

Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, sáng 7/10.

Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với năm 2023 (tăng trên 59.000 việc (11,30%), trên 62.000 tỷ đồng (41,88%), dẫn đến quá tải cho các Chấp hành viên, cơ quan THADS trong thực thi nhiệm vụ - Ảnh: VGP/LS

Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với năm 2023 (tăng trên 59.000 việc (11,30%), trên 62.000 tỷ đồng (41,88%), dẫn đến quá tải cho các Chấp hành viên, cơ quan THADS trong thực thi nhiệm vụ - Ảnh: VGP/LS

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2024, kết quả công tác THADS cả nước đạt cao nhất từ trước đến nay trên các lĩnh vực như án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng kinh tế, án hành chính...

Cụ thể, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự cả nước đã nỗ lực cao, tập trung nhân lực và nguồn lực tổ chức thi hành án đạt kết quả cao nhất về việc và về tiền từ trước đến nay. Theo đó, đã thi hành xong gần 622 nghìn việc, tăng gần 46 nghìn việc so với cùng kỳ 2023. Về tiền thi hành xong hơn 117 nghìn tỷ đồng, tăng gần 28 nghìn tỷ so với cùng kỳ.

Đặc biệt, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hơn 9.200 việc với trên 22 nghìn tỷ đồng.

Chỉ ra những khó khăn và thách thức, ông Nguyễn Thắng Lợi nêu rõ, bên cạnh những mặt đã đạt được thì khó khăn là số việc, tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao, đặc biệt là số tiền phải thi hành trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; vẫn còn tình trạng ra quyết định thi hành án không chính xác, phải thu hồi; số lượng vật chứng, tài sản bị tuyên tiêu hủy rất lớn, quy trình, thụ tục xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Nguyên nhân do một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp nhất là các quy định về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là dự án, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là quyền khai thác khoáng sản… Tài sản kê biên là cổ phần, cổ phiếu bán đấu giá, giảm giá nhiều lần không có người mua…; chưa có những quy định đặc thù trong xử lý tài sản để thu hồi cho Nhà nước; pháp luật tố tụng hình sự chưa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm đến điều tra, truy tố, xét xử.

Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với năm 2023 (tăng trên 59.000 việc (11,30%), trên 62.000 tỷ đồng (41,88%), dẫn đến quá tải cho các Chấp hành viên, cơ quan THADS trong thực thi nhiệm vụ (tính đến thời điểm hiện tại, mỗi Chấp hành viên sẽ phải tổ chức thi hành 233 việc với số tiền trên 127 tỷ đồng).

Tài sản phải xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có số lượng rất lớn, chủng loại đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều trường hợp chưa đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý nên việc xử lý mất rất nhiều thời gian.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi trao đổi tại cuộc họp báo - Ảnh: VGP/LS

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi trao đổi tại cuộc họp báo - Ảnh: VGP/LS

Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi cho rằng: dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước bối cảnh đó, tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện trong công tác thi hành án 10 tháng năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xác định tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác THADS.

Tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định số 132-QĐ/TW.

Đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; tổng kết Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, THAHC.

Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về TTHC, THAHC, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC;

Tập trung chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo chủ chốt trong toàn Hệ thống THADS. Tổ chức thực hiện các đoàn kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra công vụ tại các cơ quan THADS, đảm bảo kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực thi công vụ, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra cùng với việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại; quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Hệ thống THADS.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ket-qua-thi-hanh-an-dan-su-dat-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-102241007124320608.htm