Kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt cao nhất từ trước đến nay
Theo Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án dân sự (THADS) năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...
Sáng 16/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo và gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, thông tin về kết quả công tác tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong Quý I/2025.
Đã thi hành xong 620.657 việc, thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng
Năm 2024, công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác THADS, THAHC; thể chế THADS tiếp tục được hoàn thiện; phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS. Nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cụ thể, kết quả THADS năm 2024, các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao.
Kết quả THAHC, năm 2024: Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 776, phát sinh trong kỳ báo cáo là 1.197), tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so với năm 2023).
Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2025; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi), 1 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 .
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được chú trọng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ; nhiều ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL đánh giá cao, là ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản, góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định đối với 362 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL.
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật (trước đây là Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL) nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển...