Kết quả thi không như mong muốn: Sự thấu hiểu là liều thuốc chữa lành
Sau mỗi kỳ thi, trong khi nhiều gia đình hân hoan với niềm vui đỗ đạt, thì cũng có nhiều gia đình rơi vào nỗi buồn trượt nguyện vọng. Đằng sau mỗi kỳ thi như vậy, dù kết quả ra sao, con trẻ cũng rất cần sự thấu hiểu của cha mẹ.
Điểm số không phải là thước đo để đánh giá một đứa trẻ
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tâm lý phụ huynh luôn mong con được học tập tại các ngôi trường danh tiếng, nên dễ đặt kỳ vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của trẻ.
Bản thân học sinh cũng lo sợ kiến thức không đủ để vượt qua kỳ thi, hay không đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, nên vùi đầu vào học.
Cách đây ít ngày, một nữ sinh ở tỉnh Thanh Hóa đã chọn chấm dứt cuộc sống sau khi thi trượt vào lớp 10, khiến gia đình, người thân và cộng đồng vô cùng đau lòng và xót xa.
Trên thực tế, sau mỗi kỳ thi, khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận không ít trẻ đến khám và điều trị những khủng hoảng tương tự. Các em học sinh đã phải chịu áp lực, căng thẳng trong suốt quá trình ôn thi.

Học tập, thi cử có thể khiến trẻ phải đối diện với những áp lực vô hình mà các con không dám chia sẻ với bố mẹ
Khi kết quả thi không như mong đợi, các em sẽ chán nản và có các phản ứng như buồn bã, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát.
Việc không hoàn thành tốt một kỳ thi nào đó chỉ là một cú vấp ngã mà bất cứ ai trong cuộc sống đều có thể trải qua. Kỳ thi mỗi năm đều có, nhưng cuộc đời của mỗi người thì chỉ có một.
Thay vì đề cao thành tích, trong thời đại công nghệ số ngày nay, khả năng thực hành, ứng dụng thực tiễn, các kỹ năng mềm như: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và trí tuệ cảm xúc mới là những yếu tố quan trọng và bền vững, tạo nền tảng cho cuộc sống thành công và trọn vẹn.
Cần lắng nghe, động viên và thấu hiểu con
Khi các con thi trượt hoặc kết quả không như mong đợi, một số phụ huynh thường so sánh con với các bạn khác, khiển trách bằng những câu nói tưởng như vô hại, hay thậm chí là ánh mắt thất vọng hoặc sự lạnh lùng dành cho con… Những điều này sẽ càng làm tăng thêm sự chán nản và để lại chấn thương tâm lý lâu dài cho trẻ.

Nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu khi kết quả thi không được như ý. (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS Nguyễn Mai Hương, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), sau mỗi kỳ thi, nếu con có kết quả thi không như kỳ vọng, gia đình nên nhẹ nhàng chấp nhận thực tế.
“Cha mẹ cần giữ tâm lý bình tĩnh trước việc các cha mẹ khác kể về thành tích của con trên mạng xã hội, không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe, động viên và thấu hiểu con, tạo cảm giác an toàn cho trẻ bằng cách hỏi han, giúp con hiểu rằng cha mẹ không thất vọng, không áp đặt, mà đang sẵn sàng cùng con vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
Theo bác sĩ Hương, cha mẹ nên chia sẻ với con rằng thất bại cũng là một cách để trưởng thành, ai cũng từng vấp ngã trong đời, quan trọng là con đứng lên sau vấp ngã và không bỏ cuộc.
Mỗi đứa trẻ có một tiềm năng riêng, vì vậy cha mẹ hãy khuyến khích trẻ phát huy các thế mạnh của bản thân, trân trọng giá trị của chính mình và tiếp tục bước đi trên một con đường mới với nhiều điều đẹp đẽ còn đang chờ phía trước.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hương cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh để giải tỏa bớt những căng thẳng và tiêu cực trong lòng con trẻ thì những cái ôm, lời yêu thương và cả lời chúc mừng, hay thậm chí cảm ơn vì những nỗ lực của con trong thời gian qua sẽ là sức mạnh rất lớn giúp con cảm thấy gia đình luôn là điểm tựa.
Chỉ khi có sự đồng hành và thấu hiểu của cha mẹ sẽ giúp con quên đi nỗi thất vọng, cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhõm hơn.