Kết quả thi tốt nghiệp THPT không như kỳ vọng: Thí sinh nên làm gì?

Trong tuần qua, Bộ GDĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024. Bên cạnh những thí sinh đạt điểm cao cũng có những thí sinh đạt điểm thi không như mong đợi. Các em nên giải quyết những vấn đề gặp phải sau kỳ thi như thế nào?

Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Bình tĩnh đưa ra “chiến lược”

Theo gợi ý từ các thầy cô giáo, sau khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh hãy xem xét so sánh điểm bài thi thực tế có sát với điểm dự đoán không. Nếu điểm bị chênh lệch nhiều, thí sinh ngay lập tức làm đơn phúc khảo gửi đến điểm thi mà mình đăng ký dự thi.

Theo quy định của Bộ GDĐT, mọi thí sinh đều có quyền đề nghị phúc khảo bài thi nếu muốn. Thí sinh sẽ có 10 ngày để nộp đơn phúc khảo bài thi, kể từ ngày công bố điểm thi. Cụ thể, năm 2024, thời gian nhận đơn phúc khảo bài thi bắt đầu từ ngày 17/7 đến hết ngày 26/7.

Ông Trương Quang Trị - Phó phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Trên mạng xã hội những ngày qua, sau khi biết điểm thi, tôi thấy có những em rất vui nhưng bên cạnh đó, có những em cũng rất buồn. Buồn hay vui thì bây giờ các em cũng đã có điểm trong tay rồi. Chúng ta vẫn còn những cơ hội phía sau. Và nhiệm vụ của các em là phải cân nhắc kỹ để đăng ký nguyện vọng. Nếu các em đạt mức điểm tốt như kỳ vọng thì lại là câu chuyện không còn phải bàn nữa, nó rất dễ cho các em đăng ký. Còn nếu các em không đạt được điểm đúng như nguyện vọng mong muốn, thì lúc này là lúc chúng ta phải đưa ra “chiến lược”.

“Cho dù các bạn có không hài lòng về điểm thi thì cũng hãy cố gắng, suy nghĩ về “chiến lược”, chọn cho mình một ngành học, một trường đại học theo nguyện vọng và năng lực bản thân. Điều các em cần quan tâm lúc này là điểm sàn, hay còn gọi là điểm xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học. Điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải bằng mới đủ điều kiện để xét tuyển. Điểm xét tuyển là do các trường công bố. Các em lưu ý điểm xét tuyển ở mỗi trường có thể khác nhau.

Điểm quan tâm tiếp theo là điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển có thể lớn hơn hoặc bằng điểm xét tuyển. Đối với các thí sinh đây là một cái "bẫy” khi các em đăng ký trên hệ thống. Rất nhiều trường có thể đưa ra mức điểm xét tuyển là thấp nhưng điểm chuẩn trúng tuyển lại rất cao. Ví dụ năm ngoái điểm chuẩn ngành Kỹ thuật phần mềm có thể lên 27 điểm nhưng điểm sàn xét tuyển chỉ 17,18 điểm thôi, nghĩa là lệch nhau 10 điểm. Cho nên các thí sinh không nên chọn một ngành một trường.

Các em cũng lưu ý nếu mức điểm của mình chỉ cách mức điểm sàn xét tuyển 2-3 điểm thì nên thực hiện đăng ký một ngành nhưng chọn nhiều trường. Để nếu như chúng ta không trúng trường này thì trúng tuyển ở trường khác. Bởi vì điểm chuẩn trúng tuyển ở mỗi trường có thể khác nhau. Khác nhau căn cứ vào số lượng chỉ tiêu, số thí sinh đăng ký xét tuyển” - chuyên gia Trương Quang Trị đưa lời khuyên.

Tạo ra cơ hội mới

Theo ông Vũ Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM: Nếu thí sinh chỉ sử dụng điểm thi để xét tuyển thì phải hết sức cân nhắc.

Trong quá trình đăng ký cần kỹ năng sắp xếp nguyện vọng để có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích. Để làm được điều này phải căn cứ vào phương thức xét tuyển, chỉ tiêu xét tuyển của trường, đặc biệt là phổ điểm để nắm được số lượng thí sinh đăng ký ngành đó. Các em cần theo dõi, đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường trước khi đăng ký trên cổng chung của Bộ GDĐT.

Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, trường hợp học sinh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực sau khi nhận kết quả thi không như mong đợi khá phổ biến. Trên thực tế, cứ sau mỗi đợt công bố kết quả thi, chúng ta lại chứng kiến nhiều học sinh bị stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí một số trường hợp quá căng thẳng dẫn đến hành vi tự tử… Đó là những hệ quả liên quan đến kết quả thi cử không như mong muốn.

Các chuyên gia đưa lời khuyên, nếu không may mắn đạt được mục tiêu như kỳ vọng trong kỳ thi vừa qua, các em hãy xem như đó là một cơ hội. Trong thời gian này nên thư giãn, thả lỏng. Cùng với đó tìm đến những người hiểu mình nhất, hiểu được năng lực học tập của mình nhất hay những người am hiểu lĩnh vực mà các em yêu thích để nhờ tư vấn. Qua đó, các em sẽ có cơ hội để xác định lại rõ năng lực của bản thân, xác định được sở trường, sở thích và mục tiêu của mình. Từ đó, các em sẽ xây dựng cho mình một kế hoạch phù hợp hơn.

Thất bại trong một kỳ thi chỉ có tính chất thời điểm, không phải là mãi mãi. Khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Cố gắng nỗ lực ở bước tiếp theo mới là hướng đi đúng đắn. Có rất nhiều cách để chúng ta giải quyết các vấn đề gặp phải, kể cả vấn đề đó là những thất bại nghiêm trọng trong cuộc đời và có thể khiến bạn rẽ sang một ngã rẽ hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta vẫn có rất nhiều sự lựa chọn khác. Việc đóng lại cánh cửa vào trường đại học này không có nghĩa là em không vào được một trường đại học khác, không có nghĩa là em không có những con đường khác cho cuộc đời, cho sự nghiệp tương lai.

Còn theo TS Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học Việt Nam: Dù kết quả của kỳ thi này ra sao, đừng bao giờ quên rằng việc học là một hành trình suốt đời. Học không chỉ giới hạn trong sách vở hay nhà trường, mà còn từ cuộc sống, từ những trải nghiệm và từ những người xung quanh. Mỗi con đường đều mang lại những bài học quý giá và mở ra những cơ hội mới. Hãy luôn giữ vững niềm tin và đam mê, tiếp tục học hỏi và không ngừng phấn đấu. Dù các em chọn con đường nào, chỉ cần có ý chí và sự quyết tâm, các em sẽ đạt được những thành tựu đáng tự hào.

PHƯƠNG LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-khong-nhu-ky-vong-thi-sinh-nen-lam-gi-10286125.html