Kết quả thu ngân sách nhà nước là điểm sáng của kinh tế Thủ đô

6 tháng đầu năm 2023 mặc dù còn gặp khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội vẫn đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô 6 tháng tăng trưởng khá do kinh tế bắt đầu phục hồi. Ảnh: TL

Thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô 6 tháng tăng trưởng khá do kinh tế bắt đầu phục hồi. Ảnh: TL

Nhiều khoản thu vượt dự toán

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện là 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh và tăng 22,9% (tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, thu nội địa là 207,2 nghìn tỷ đồng, đạt 64% dự toán, tăng 25,7%; thu từ đầu thô 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt gần 80% dự toán, tăng hơn 34%; thu từ xuất nhập khẩu 11,3 nghìn tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán, giảm 13,4%.

Đối với thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 41,6 nghìn tỷ đồng, đạt 70,6% dự toán năm và tăng 39,5%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 13,7 nghìn tỷ đồng, đạt 58% dự toán và tăng 22,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 43 nghìn tỷ đồng, đạt 57,9% dự toán và tăng 7%; thuế thu nhập cá nhân 21,3 nghìn tỷ đồng, đạt 55,4% dự toán và giảm 0,6%; thu tiền sử dụng đất 3,6 nghìn tỷ đồng, đạt 21,2% dự toán và giảm 47,7%...

Theo ông Hà Minh Hải, đạt kết quả trên là do ngay từ đầu năm TP. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách; phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2023.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả; tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…

Phối hợp quản lý các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong việc kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan có liên quan để quản lý các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành Thuế, Hải quan Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống thuế theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 28/02/2023 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh nhận định, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội trong 6 tháng đầu năm rất tích cực. Đáng chú ý là kinh tế của Hà Nội 6 tháng năm 2023 duy trì tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, đạt 5,97% nên thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước) khả quan. “Kết quả trên là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố; sự quyết liệt của cơ quan thuế, hải quan trong đôn đốc thu và giảm thất thoát, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính”- ông Thịnh chia sẻ.

Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ nuôi dưỡng nguồn thu

Bên cạnh những khoản thu tốt, còn một số khoản thu chưa đạt yêu cầu, như: các khoản thu về nhà, đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do nguồn thu phát sinh ít; đồng thời công tác đấu giá đất các tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn…

Ông Hà Minh Hải cho biết, 6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội xác định thực hiện phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ở mức cao nhất. Theo đó, chính quyền thành phố yêu cầu cơ quan thuế, hải quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số

37/NQ- HĐND ngày 10/12/2022 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023, xây dựng kịch bản thu ngân sách, xác định rõ mục tiêu phấn đấu trong các tháng, quý còn lại để thu đúng, thu đủ, hoàn thành toàn diện và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, thành phố tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế…

Bên cạnh đó, thành phố tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu như đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đồng tình với giải pháp này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho hay, không thể chủ quan bởi hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm là vấn đề cần quan tâm. Nếu không quản lý tốt, lạm phát cao sẽ làm giá hàng tăng lên, kìm hãm tiêu dùng và sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách giảm, giãn thuế, phí, đặc biệt là giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm 2% thuế giá trị gia tăng… sẽ tác động đến thu ngân sách trong những tháng tới. Vì vậy, để bảo đảm thu ngân sách đúng như dự toán, cần tiếp tục đốc thúc thu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để kế thừa, phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ban ngành; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổng công ty trực thuộc thành phố và cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, chỉ thị nêu rõ, đây là năm thứ 4 thực hiện mục tiêu của các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính và đầu tư công trung hạn, đồng thời cũng là năm tiếp theo của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2023-2025 theo nghị quyết của Quốc hội và của HĐND thành phố. Theo đó, mục tiêu cho công tác xây dựng dự toán năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 của thành phố là: tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần bảo đảm cân đối ngân sách và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu thành phố đã đề ra.

Đồng thời, thành phố đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các nghị quyết của trung ương và thành phố./.

Hà Hạnh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ket-qua-thu-ngan-sach-nha-nuoc-la-diem-sang-cua-kinh-te-thu-do-131631.html