Kết quả thực hiện Dự án Vành đai 4 là 'thước đo' năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành

Sáng nay 25/6, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã diễn ra đồng loạt tại 4 vị trí trên địa phận huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín.

Tới dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang...

 Lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 tại địa điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 tại địa điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Đường Vành đai 4 có 7 dự án thành phần đi qua 3 tỉnh

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đồng thời là Dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 ngày 18/8/2022 để triển khai thực hiện.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 03 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 héc ta, trên tuyến xây dựng 03 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 08 nút giao khác mức.

Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 07 dự án thành phần do TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản. Trong đó 03 dự án giải phóng mặt bằng và 03 dự án đầu tư xây dựng đường song hành được thực hiện theo hình thức đầu tư công, riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Ba kinh nghiệm của TP Hà Nội trong chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Phát biểu tại lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 tại địa điểm xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các địa phương, đến nay, sau 01 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023).

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ khởi công

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ khởi công

Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: TP đã phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp;

Đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của TP, các địa phương; Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ TP, tỉnh đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thứ hai, TP đã tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. TP đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

 Công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP Hà Nội đạt trên 84%

Công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP Hà Nội đạt trên 84%

Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của dự án. Riêng TP đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Ba là, TP đã tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. "Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, TP đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt", Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ket-qua-thuc-hien-du-an-vanh-dai-4-la-thuoc-do-nang-luc-lanh-dao-chi-dao-dieu-hanh-post253098.html