Kết quả tích cực trong thực hiện Đề án 818
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh thực hiện Đề án 'Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020' (gọi tắt là Đề án 818) với nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các PTTT, chăm sóc SKSS từ 'bao cấp, miễn phí' sang tự chi trả các dịch vụ, mở rộng cơ hội tiếp cận PTTT hiện đại cho người dân.

Cán bộ y tế xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tư vấn người dân sử dụng các PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS - Ảnh: DSTXQT
Hiện nay, Đề án 818 tiếp tục tập trung thực hiện tại các địa bàn phường, thị trấn và các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương mở rộng địa bàn triển khai tại những xã còn lại khi người dân có nhu cầu. Nhằm tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa các PTTT, phòng dân số thuộc trung tâm y tế huyện và trạm y tế các xã, phường, thị trấn tăng cường đưa các nội dung hoạt động, giới thiệu các sản phẩm của đề án lên trang mạng xã hội của đơn vị hoặc cá nhân viên chức dân số xã. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Lồng ghép đưa các nội dung về lợi ích, ý nghĩa và sự cần thiết của xã hội hóa PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS vào hoạt động nói chuyện chuyên đề, tư vấn, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các chương trình, đề án như thông qua các buổi họp hội nông dân, phụ nữ... để truyền thông và tư vấn trực tiếp về các sản phẩm xã hội hóa, hàng hóa SKSS/KHHGĐ. Tổ chức giới thiệu các sản phẩm của đề án nhân các đợt truyền thông sự kiện như: Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ; ngày Tránh thai thế giới 26/9; ngày Dân số thế giới 11/7; ngày Dân số Việt Nam 26/12...
Các trạm y tế thuộc địa bàn đề án có điểm truyền thông giới thiệu sản phẩm và tham gia phân phối các sản phẩm thuộc đề án. Tiến hành cung ứng các sản phẩm của đề án ra thị trường như: bao cao su I love you, gel bôi trơn Sensilove, dung dịch vệ sinh Vagis, tố nữ Hoàng Sâm, Canxi D3, Cetavit DHA... Năm 2024, một số đơn vị đã đẩy mạnh triển khai hiệu quả đề án và đạt doanh số cao như các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa.
Để giúp người dân nắm rõ hơn về nội dung của đề án, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở đã luôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân để có cách tiếp thị hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, Khu phố 1, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ chia sẻ: “Hiện nay, tôi đang sử dụng dung dịch vệ sinh Vagis và các thực phẩm bảo vệ sức khỏe của đề án. Tôi thấy các sản phẩm này đều có nguồn gốc rõ ràng, giá thành được niêm yết công khai, chất lượng được kiểm định, vì vậy, tôi yên tâm và tự tin sử dụng”.
Đề án 818 được triển khai tích cực trong nhiều năm qua và đóng góp một phần vào kết quả công tác dân số trên địa bàn tỉnh, như: Số phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng mới sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại tăng dần qua các năm, cụ thể: Năm 2021 có 33.900/34.000 người (đạt 99,7% KH năm); năm 2024 có 33.926/33.000 người (đạt 102,8% KH năm).
Tổng số phụ nữ đang sử dụng các BPTT 71.952 người, trong đó đặt dụng cụ tử cung 40.905 người, tiêm tránh thai 2.621 người, cấy tránh thai 1.019 người, viên uống tránh thai 11.549 người, bao cao su 12.809 người, các biện pháp khác 3.049 người... Tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các BPTT tăng từ 70,6% (năm 2021) lên 74,1% (năm 2024), tăng bình quân 1,6%/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: Một số sản phẩm chưa có sẵn, đặc biệt năm 2024, Ban Quản lý Đề án 818 Trung ương không cung ứng các PTTT như: thuốc tiêm tránh thai Triclofem, vòng tránh thai cho địa phương nên chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Giá thành sản phẩm khá cao so với thu nhập của người dân nên việc cung ứng sản phẩm gặp khó. Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân về xã hội hóa PTTT/ hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS còn hạn chế.
Để Đề án 818 thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Nguyễn Hương Chương cho biết: “Ngành dân số tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin của đề án, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các PTTT, dịch vụ KHHGĐ.
Thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung truyền thông để phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Tuyên truyền, vận động, tư vấn, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về quyền, trách nhiệm trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Tăng cường khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS thông qua việc nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập để thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ; khuyến khích và huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ket-qua-tich-cuc-trong-thuc-hien-de-an-818-193453.htm