Kết quả và kinh nghiệm tuyên truyền về xây dựng Đảng về đạo đức trên Báo Thanh Hóa

Công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng về đạo đức

Đảng ta xác định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức đóng vai trò quan trọng, là gốc rễ, là nền tảng để xây dựng Đảng, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong công cuộc này, báo chí nói chung, bảo Đảng nói riêng, phải thực sự trở thành một lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Từ đó, xác định tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức,Ban Biên tập Báo Thanh Hóa giao cho Phòng Phóng viên làm nòng cốt xây dựng đề cương tuyên truyền hằng tháng, các vấn đề thời sự phát sinh và tham gia Giải Búa liềm vàng hằng năm. Đồng thời, yêu cầu tất cả các phóng viên trong quá trình xây dựng đề cương hằng tháng đăng ký bài viết cụ thể. Cùng với tuyên truyền trên báo in, Báo Thanh Hóa cũng tận dụng tối đa sức mạnh của báo điện tử với các loại hình như E-Magazine, infographic… để xây dựng các bài về xây dựng Đảng về đạo đức đẹp, hấp dẫn về hình thức, hay về nội dung, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến đông đảo bạn đọc.

Vì vậy, các bài viết xây dựng Đảng về đạo đức được Báo Thanh Hóa tuyên truyền đậm nét. Nổi bật là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc kiên quyết xử lý đối với những cán bộ, đảng viên không xứng đáng, có biểu hiện suy thoái, vi phạm, sai phạm…

Một số hình ảnh do phóng viên Báo Thanh Hóa ghi nhận về các hoạt động của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ở cơ sở

Một số hình ảnh do phóng viên Báo Thanh Hóa ghi nhận về các hoạt động của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ở cơ sở

Các tác phẩm đã bao quát được các lĩnh vực của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Có tác phẩm mang tính tổng kết, đánh giá mô hình; có tác phẩm đã phát hiện, phản ánh sâu những việc làm tốt, những tấm gương sáng, mô hình cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Chất lượng các tác phẩm ngày càng được nâng cao, được đầu tư công phu và kỹ lưỡng, bám sát định hướng chỉ đạo của các cấp ủy đảng và đời sống nhân dân. Thông qua công tác tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kinh nghiệm tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức tham gia các giải báo chí quốc gia

Đề tài về xây dựng Đảng là những vấn đề đặt ra trong thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất đa dạng và phong phú, không phụ thuộc vào phạm vi giới hạn rộng hay hẹp của vấn đề, sự kiện mà thường mang tính khách quan. Vì vậy, Báo Thanh Hóa xác định đề tài là bước quan trọng hàng đầu trong quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ này mỗi phóng viên Báo Thanh Hóa phải dấn thân vào cuộc sống, bám sát thực tế để kiếm tìm những đề tài nóng, những vấn đề có sức sống và sự lan tỏa.

Trên cơ sở đề xuất của phóng viên và định hướng của Ban Biên tập, các phòng chuyên môn đã xây dựng dự thảo đề cương các giải báo chí. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập tổ chức họp với các phòng để đánh giá, góp ý, lựa chọn và phân công thực hiện tác phẩm được lựa chọn để tham dự các giải báo chí. Tác phẩm tham gia giải báo chí quốc gia thường là những tác phẩm dài kỳ (3 kỳ), để có thể đề cập và lý giải đầy đủ các nội dung liên quan đến chủ đề. Từ đó cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể, thấu đáo về sự việc. Tác phẩm dài kỳ còn thể hiện sự đầu tư công phu, thái độ làm việc nghiêm túc của tác giả đối với tác phẩm.

Cùng với đề tài, kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng cũng rất quan trọng. Người phóng viên cần có sự đầu tư công phu, thể hiện sự sáng tạo, mới mẻ trong phát hiện đề tài, phân tích, đánh giá, cách kể chuyện hấp dẫn, có sức thuyết phục và nhất là nhuần nhuyễn trong sử dụng các yếu tố đặc trưng của các thể loại báo chí. Để có đề tài “đúng, trúng, hay”, mỗi phóng viên phải nắm vững “4 biết’ khi sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng đó là: Phải biết rút tít; biết thu thập, khai thác thông tin tư liệu; biết thể hiện cả nội dung và hình thức; biết làm nổi bật ngôn từ, thuật ngữ chuyên ngành xây dựng Đảng.

Để có một tác phẩm báo chí viết về xây dựng Đảng vừa bảo đảm định hướng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vừa sinh động, hấp dẫn để thu hút bạn đọc, thì cần có sự thể hiện tác phẩm hài hòa giữa nội dung và hình thức. Đây là vấn đề quan trọng trong sáng tạo tác phẩm báo chí, bởi vì, tác phẩm có hấp dẫn công chúng hay không phụ thuộc vào những vấn đề được đề cập và cách thức thể hiện.

Khi tổ chức thực hiện, đa phần sẽ làm việc nhóm để phát huy cao nhất trí tuệ tập thể, nhằm mang lại một tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất và có góc nhìn rộng, sâu hơn về cùng một vấn đề. Cần phát huy thế mạnh của báo điện tử để thể hiện tác phẩm theo hướng đa phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thông tin và hấp dẫn bạn đọc.

Các tác giả đoạt giải C Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII năm 2022 của Báo Thanh Hóa chụp hình lưu niệm tại lễ trao giải

Nhờ áp dụng “quy trình” thực hiện tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng tương đối chặt chẽ và hiệu quả, nên năm 2022, Báo Thanh Hóa đã có 2 tác phẩm đạt giải C, Giải Búa liềm vàng Trung ương (TP “Khát vọng lên bờ” và “Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng: Nhận thức đúng - hành động quyết liệt”)

Yêu cầu đặt ra đối với đảng viên báo Đảng và các nhà báo viết xây dựng Đảng về đạo đức

Đề tài xây dựng Đảng là một đề tài khó. Vì thế, từ khâu lựa chọn đề tài, xác định nội dung, khai thác tư liệu cũng như cách thức thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu cao về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và quan trọng hơn là tâm huyết, bản lĩnh của người cầm bút. Điều quyết định nhất trong bài viết về đề tài xây dựng Đảng là tâm huyết của tác giả. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với người cầm bút là muốn viết đúng thì trước hết phải hiểu về Đảng, hiểu quy luật ra đời, phát triển của Đảng; hiểu quy trình lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiểu nguyên tắc sinh hoạt Đảng... Nếu có tâm huyết với đề tài thì tác giả mới say mê học hỏi nâng cao nhận thức về Đảng, từ đó mới bám chắc thực tiễn, mới xông xáo, lăn lộn thực tế, phát hiện được đề tài hay và tìm tòi ra cách thể hiện sao cho dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Yêu cầu đặt ra khi viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ của hệ thống chính trị là phải sinh động, hấp dẫn. Và trên hết là quan điểm, thái độ của tác giả phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Bài viết cần giản dị, dễ hiểu, chọn lọc những chi tiết độc đáo, bình luận gợi mở, sắc sảo; khắc phục cách viết, khô khan, nặng về số liệu, báo chí hóa các bản báo cáo, xa rời thực tiễn. Ngoài ra, bám sát hiện thực cuộc sống là nguyên tắc và mấu chốt để có những tác phẩm viết về xây dựng Đảng bảo đảm vừa đúng, trúng vừa hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn bạn đọc.

Ban Biên tập Báo Thanh Hóa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160906/ket-qua-va-kinh-nghiem-tuyen-truyen-ve-xay-dung-dang-ve-dao-duc-tren-bao-thanh-hoa