Kết thúc đàm phán, Mỹ-Hàn vẫn bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng
Mỹ và Hàn Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quốc phòng, song khoảng cách lập trường giữa hai bên vẫn còn khá lớn.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vòng đàm phán mới nhất kéo dài 2 ngày tại Hawaii này cũng là vòng đàm phán thứ 2 giữa hai quốc gia đồng minh nhằm thảo luận về việc gia hạn Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới. Một trong số những vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên là liên quan tới đề nghị của Mỹ yêu cầu Hàn Quốc phải tăng tiền đóng góp để 28.500 binh sĩ Mỹ tiếp tục đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra tại Seoul hồi tháng trước. Chi tiết về vòng đàm phán mới nhất này chưa được tiết lộ.
Tuy nhiên, trong một phát biểu ngày hôm qua (24/10), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper một lần nữa nhắc lại lập trường của nước này rằng, sẽ không có gì là “miễn phí” khi nói đến quốc phòng chung. Trả lời cho những yêu cầu tăng phí của Mỹ, chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần kêu gọi một sự chia sẻ “hợp lý và công bằng”. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, lập trường cơ bản của chính phủ Hàn Quốc là đảm bảo các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự phải được tiến hành trong khuôn khổ Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt mà các bên đã duy trì trong suốt 10 năm qua.
Từ năm 1991, Hàn Quốc đã cùng chia sẻ một phần chi phí theo Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt, để chi cho việc tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của liên minh, cũng như các dự án cải thiện phòng thủ hỗn hợp và nhiều hình thức hỗ trợ khác. Theo thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt lần thứ 10, ký tháng 2/2019 sau nhiều tháng thương thảo khó khăn, Hàn Quốc đã nhất trí trả 879 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó./.