Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Vẫn còn nhiều nỗi lo!
Mặc dù đề thi được các chuyên gia đánh giá là vừa sức với học sinh, tuy nhiên, với một năm học gián đoạn quá nhiều thì chất lượng học tập thế nào còn là dấu hỏi lớn. Do đó, khi điểm chưa công bố thì mọi việc chưa thể yên tâm.
“Vừa chống dịch vừa làm giáo dục”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 năm nay đặc biệt hơn nhiều năm bởi kỳ thi diễn ra trong điều kiện phức tạp khi lần đầu tiên tổ chức vào tháng 8 (thời tiết xấu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao), dịch COVID-19 lại bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Trước kỳ thi, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo lắng nếu tổ chức thi tốt nghiệp đúng kế hoạch thì nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 rất cao. Điều này nguy hiểm không chỉ đối với các thí sinh, cán bộ coi thi mà còn cho cả cộng đồng. Vì thế, không ít người lên tiếng nên dừng kỳ thi vì an toàn sức khỏe, thay vì tổ chức thi tốt nghiệp thì xét đặc cách tốt nghiệp.
Tuy nhiên đến nay khi kỳ thi tốt nghiệp đã kết thúc, căn cứ các số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có thể khẳng định việc tổ chức kỳ thi là quyết định sáng suốt. Được biết trong đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp, tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 866.946 đạt tỷ lệ 96,3% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 26.308 chiếm tỷ lệ 2,92% của các Hội đồng thi. Số thí sinh vi phạm Quy chế thi là 39 trong đó có 1 thí sinh bị khiển trách và 38 thí sinh bị đình chỉ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra an toàn, nghiêm túc
Đánh giá về công tác tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã diễn ra nghiêm túc, đảm bảo được cả 2 mục tiêu an toàn sức khỏe cho thí sinh, cán bộ làm thi, phụ huynh học sinh và an toàn Quy chế thi. Quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đặt quyền lợi thí sinh lên cao nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL), Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá: “Kỳ thi có nhiều đặc biệt như so với các năm thi chậm 1,5 tháng vì có dịch COVID-19. Trong quá trình nghỉ học COVID-19, học sinh phải học từ xa, học trực tuyến. Cách học này cũng có những khó khăn nhất định. Dịch COVID-19 lại bùng phát càng tạo cho Bộ GD&Đ chịu nhiều áp lực. Một số địa phương có dịch COVID-19 đến nay học sinh vẫn chưa thể thi. Áp lực dư luận khi có người cho rằng đã có COVID-19 thì dừng thi để xét công nhận tốt nghiệp… Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã sáng suốt khi cho dừng kỳ thi ở những nơi có dịch COVID-19 còn những địa phương kiểm soát được dịch tiến hành thi bình thường. Tinh thần này cũng như Thủ tướng đã chỉ đạo phải “vừa chống COVID-19 vừa phải làm kinh tế” thì ở đây là “vừa chống COVID-19 vừa làm giáo dục”.
“Về cơ bản cuộc thi đã thành công” - Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định và cho rằng quyết định thi là quyết định sáng suốt.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch hội đồng quản trị trường Đại học FPT khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL cũng nhận định: Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước và Bộ GD&ĐT đứng trước lựa chọn rất khó khăn khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, sau đó lan ra nhiều địa phương khác.
Điều này đã đặt ra cho Bộ GD&ĐT 3 phương án để lựa chọn. Thứ nhất là thi theo kế hoạch nhưng phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh có thể bùng phát mà không kiểm soát được. Phương án hai là nên chăng bắt chước các nước khác chuyển sang xét tốt nghiệp đặc cách không phải thi. Phương án thứ 3 tiếp tục lùi thời gian thi. Cuối cùng Bộ GD&ĐT chọn phương án thi theo kế hoạch. Đối với một số địa phương do dịch bệnh không thi được thì để thi sau. “Đây là quyết định rất là khó. Mấy ngày vừa rồi nếu dịch bệnh bùng phát mạnh hơn nữa thì rất rủi ro” - Tiến sĩ Nguyễn Trường Tùng bình luận.
Đến thời điểm này thì đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp đã xong, trong bối cảnh ca bệnh ít đi chứng tỏ đó là quyết định rất mạo hiểm nhưng phù hợp của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương. Trong khi, nếu Bộ GD&ĐT chọn các phương án khác thì hệ lụy rất phức tạp và nhiều rủi ro. Bộ quyết định thi theo kế hoạch là một quyết định rất dũng cảm nhưng là quyết định hợp lý nhất. Tiến sĩ Lê Trường Tùng phân tích, việc tổ chức thi theo kế hoạch không làm đảo lộn kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học đã chuẩn bị. Có chăng, các trường phải điều chỉnh lại chỉ tiêu để dành cho các thí sinh thi đợt 2.
Nếu tình hình trong vòng hai tuần tới đây dịch bệnh không phức tạp, mọi thứ ổn thì sẽ tổ chức thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Nếu như vậy, các trường đại học sẽ không bị ảnh hưởng trong công tác tuyển sinh.
Chưa có phổ điểm, khó nói thành công!
Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc được xem là một thắng lợi lớn trong điều kiện cả nước chống dịch. Giáo dục đã góp phần vào sự ổn định kinh tế - xã hội của cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống.
Tuy nhiên, khâu tổ chức thi mới chỉ là khâu đầu tiên của cả kỳ thi. Để đánh giá thành công hay không còn phụ thuộc vào kết quả thi và công tác tuyển sinh của các trường đại học. Hiện các trường đại học vẫn đang trong lộ trình tự chủ nên có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Nhưng với đề thi, các chuyên gia đánh giá không quá quá khó, phù hợp cho xét tốt nghiệp nhưng vẫn có những câu phân loại thí sinh. Như vậy thì kết quả thi sẽ phân hóa được thí sinh. Điều đó hỗ trợ cho các trường xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng phải chờ chấm xong, có phổ điểm lúc đó mới đánh giá được dễ dàng. Năm nay, dự kiến sẽ chấm chi tiết hơn, tiến hành so sánh điểm thi với kết quả học phổ thông để trên cơ sở ấy đánh giá thực trạng điểm giữa học bạ và thi tốt nghiệp ở quy mô toàn quốc. Hội đồng phân tích phổ điểm sẽ đánh giá chi tiết khi công bố điểm chính thức. Chỉ đến lúc đó, có đủ thông tin thì mới có thể đánh giá toàn diện.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL lại nhận định: Kỳ thi vừa qua có sơ suất của cán bộ coi thi nhưng không lớn lắm, đều khắc phục được cả. Điều lo lắng nhất là thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ bắt đầu vào lúc nào. Những lo lắng về đề thi lần 2 chất lượng có được như đợt 1 hay không thì không quá đáng ngại. Vì công tác ra đề sẽ xử lý được, không quá khó. Nếu trong thời gian một, hai tuần tới đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức thì rất tốt. Điều đó sẽ không có tác động nhiều đến công tác tuyển sinh đại học. Còn nếu kéo dài thì rất căng thẳng, đó là điều đáng lo lắng nhất vào lúc này.
Những trường đại học top đầu sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng với các trường thấp hơn họ lo lắng khi tuyển sinh đợt 1 sợ không đủ chỉ tiêu thì việc bớt chỉ tiêu dành cho thí sinh đợt hai khiến các trường áy náy, khó xử.
Còn đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa hoàn thành, về đề thi đến lúc này mới chỉ có chuyên gia đánh giá. Còn đánh giá đó có đúng với học sinh hay không thì chỉ đến khi nào công bố được phổ điểm thi các môn lúc đó mới có thể biết. Đến lúc này chưa thể khẳng định đề thi phù hợp hay không phù hợp.
Qua trao đổi với các chuyên gia, có thể thấy việc Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch là một quyết định đúng đắn và đúng nhất trong bối cảnh cả nước chống dịch. Quyết định đó tạo ra áp lực lớn cho Bộ nhưng lại thuận lợi lớn cho các nhà trường trong tuyển sinh. Tuy nhiên, để đánh giá thành công hay không còn phải chờ đến kết quả điểm thi, có phổ điểm mới có thể có sự đánh giá toàn diện.