Kết thúc thành công đợt họp trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Chiều 28/5, tại Trụ sở Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng các vị ĐBQH Đoàn Lâm Đồng, đại diện các sở, ngành liên quan tiếp tục tham dự trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14. Đây là ngày họp cuối trong chương trình họp trực tuyến của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị chức năng tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị chức năng tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình một số nội dung các ĐBQH quan tâm về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Theo Bộ trưởng, Quốc hội cho phép sửa Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách đầy đủ, phù hợp hơn để thích ứng với tình hình mới. Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường và thảo luận tổ, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung với 13 nhóm vấn đề đã được tiếp thu giải trình. Tại Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 này, đa số các ĐBQH tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Tuy nhiên, vẫn còn những nhóm ý kiến khác nhau. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của báo cáo.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề các ĐBQH quan tâm và tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị để phối hối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện Dự án Luật một cách tốt nhất trình xin ý kiến các ĐBQH.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tại phiên thảo luận các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể như sau: Về bổ sung một số loại hình thiên tai, hoặc có ý kiến chưa đồng tình trong Dự án Luật về một số loại hình thiên tai; về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai và Quỹ phòng, chống thiên tai các cấp; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; về hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai; về điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai và đầu tư cho vùng thiếu nước ngọt ở những vùng đang khó khăn, nhất là vấn đề xây hồ, đập; về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc vận hành, sử dụng công trình; về trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; việc quy định bộ phận chuyên trách về phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa toàn diện về Luật Đê điều vì sau 13 năm thực hiện đã có nhiều nội dung lạc hậu. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ một số khái niệm trong Dự án Luật cũng như quy định rõ về vấn đề bảo vệ đê, kè và chống sạt lở đê, kè; về cấp phép nạo vét luồng lạch; về sử dụng bãi nổi, bãi song; về các hành vi bị cấm; về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các Bộ; về kỹ thuật văn bản; về tính thống nhất, tính cụ thể của Dự án Luật; về điều khoản thi hành và thời điểm thi hành Luật...

Các ý kiến thảo luận của các vị ĐBQH sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật để Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Ngoài ra, phát biểu kết thúc chương trình đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình đợt 1 của Kỳ họp thứ 9. Hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Các ĐBQH ở 63 điểm cầu và các đại biểu dự họp tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã tham gia đầy đủ và thảo luận sôi nổi, chất lượng. Mặc dù đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến nhưng công tác phục vụ và bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng rất thành công.

Chương trình kỳ họp đợt 2 từ 08/6-18/6/2020, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202005/ket-thuc-thanh-cong-dot-hop-truc-tuyen-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-3005757/