Kêu gọi 'khoanh nợ', duy trì thương mại
Theo TTXVN và tin nước ngoài, tại hội nghị trực tuyến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres kêu gọi 'khoanh' toàn bộ các khoản nợ cho một số quốc gia đang phát triển, nhằm hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19. Ông A.Guterres cũng đánh giá cao quyết định mới đây của G20 về 'giãn nợ' cho các nước nghèo.
* Chủ tịch WB D.Malpass cho biết, WB đang cân nhắc viện trợ 160 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo tại châu Á, châu Phi và Mỹ latinh trong 15 tháng tới. WB cảnh báo, dịch bệnh có thể phá hủy những tiến bộ gần đây tại các nước nghèo. Tổng thống Nam Phi C.Ramaphosa cũng nhận định, dịch Covid-19 cản trở các mục tiêu xóa đói nghèo, bất bình đẳng ở châu Phi. Theo IMF, châu Phi cần 114 tỷ USD trong năm 2020 để khắc phục hậu quả dịch bệnh.
* Tại hội nghị trực tuyến ngày 17-4, bàn về nỗ lực giảm tác động của dịch Covid-19 với kinh tế thế giới và hệ thống thương mại đa phương, các Bộ trưởng Ngoại giao của 12 nước kêu gọi tăng cường phối hợp toàn cầu để “đảo chiều” đà suy giảm chưa từng có trong các hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch. Các nước cũng kêu gọi tránh các biện pháp hạn chế có thể tạo rào cản không cần thiết, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Ngày 17-4, Tổng thống D.Trump công bố gói cứu trợ 19 tỷ USD giúp ngành nông nghiệp Mỹ giảm tác động của đại dịch. Chương trình gồm các khoản hỗ trợ người chăn nuôi, trồng trọt và các nhà sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế do dịch bệnh.
* Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19, trong đó có các biện pháp tài chính, tiền tệ thận trọng và linh hoạt hơn, giảm lãi suất, tăng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ... Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), lần đầu tiên trong gần 30 năm qua kinh tế nước này tăng trưởng âm, với mức suy giảm 6,8% trong quý I-2020. Tuy nhiên, IMF dự báo, từ quý II, kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi.
* Trong khi đó, hãng Moody’s đã hạ mức xếp hạng của nền kinh tế Mexico, cùng nhận định về triển vọng tiêu cực. Trước đó, hai hãng Fitch Ratings và S&P Global Ratings cũng hạ bậc của Mexico. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Tín dụng Mexico khẳng định, nước này vẫn duy trì mức đầu tư và tiếp tục có quyền tiếp cận đầy đủ các quỹ tài chính quốc tế.