Kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc
Theo Tân Hoa xã, hơn 20 quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) là người châu Phi hoặc gốc Phi đã ký vào một tuyên bố, bày tỏ phẫn nộ đối với nạn phân biệt chủng tộc đang lan tràn và có hệ thống chống lại người gốc Phi và các nhóm người thiểu số khác. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo Tân Hoa xã, hơn 20 quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) là người châu Phi hoặc gốc Phi đã ký vào một tuyên bố, bày tỏ phẫn nộ đối với nạn phân biệt chủng tộc đang lan tràn và có hệ thống chống lại người gốc Phi và các nhóm người thiểu số khác.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi LHQ tăng cường và hành động dứt khoát, nhằm giúp chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, vốn là một "tai họa toàn cầu" đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Tuyên bố cũng hối thúc cộng đồng quốc tế vào cuộc, chung tay xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trên toàn cầu.
Roi-tơ đưa tin, trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ "Quyền sống của người da mầu" liên tục diễn ra, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban liên bộ, nhằm đánh giá tình trạng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng mà các nhóm sắc tộc thiểu số phải hứng chịu trong hệ thống giáo dục, y tế và tư pháp. Thủ tướng Giôn-xơn cho biết không thể bỏ qua phản ứng mạnh mẽ của hàng chục nghìn người tham gia biểu tình trong nước, đồng thời khẳng định chính phủ Anh sẽ cân nhắc các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc.
Sở Cảnh sát Luân Ðôn (Anh) cho biết đã bắt giữ hơn 100 người biểu tình với các cáo buộc gây bạo loạn, tiến công cảnh sát, gây mất trật tự công cộng… Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Luân Ðôn khẳng định sẽ làm việc với tòa án để đưa những đối tượng này ra trước pháp luật. Trước đó, ở thủ đô Luân Ðôn, hỗn loạn đã xảy ra giữa nhóm người muốn bảo vệ các tượng đài lịch sử và nhóm biểu tình ủng hộ phong trào "Quyền sống của người da mầu".
Ngày 14-6, Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông kêu gọi không để các làn sóng chống phân biệt chủng tộc dẫn đến việc "viết lại lịch sử"; khẳng định Pháp sẽ không dỡ bỏ các bức tượng mang tính lịch sử. Phát biểu của ông Ê.Ma-crông được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhóm người biểu tình quá khích ở Mỹ và các quốc gia khác đòi dỡ bỏ tượng các nhân vật lịch sử được cho có liên quan chế độ nô lệ trong quá khứ.
Hàng nghìn người đã tuần hành tại nhiều thành phố của Ðức nhằm phản đối phân biệt chủng tộc và kêu gọi bảo đảm các điều kiện sống công bằng hơn. Hơn 10 nghìn người đã tập trung tại thủ đô Béc-lin dịp cuối tuần, mang theo biểu ngữ "Quyền sống của người da mầu", kêu gọi cải thiện điều kiện việc làm, giảm giá nhà, bảo đảm quyền của người tị nạn… Biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố Hăm-buốc và Lép-dích…
Tại thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản, hàng nghìn người đã xuống đường kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát. Những người biểu tình tuần hành qua các con phố, mang theo biểu ngữ "Phân biệt chủng tộc là đại dịch" và "Không công lý, không hòa bình". Trong ngày 14-6, ước tính khoảng 3.500 người đã tham gia biểu tình tại thành phố Tô-ki-ô.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh thành phố Ða-lát nhận định, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống và mức thất nghiệp cao của người Mỹ da mầu cản trở sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Ðại diện Cục trên kêu gọi chấm dứt ngay nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời cho biết, một nền kinh tế toàn diện nơi mọi người đều có cơ hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn.