KFC Malaysia tạm thời đóng cửa hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc
KFC đã giảm hoạt động tại Malaysia và tạm thời đóng cửa khoảng 20% nhà hàng sau nhiều tháng người tiêu dùng ủng hộ Palestine tiến hành tẩy chay các doanh nghiệp liên kết với Mỹ do cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza.
Ngày 29/4, hãng tin Straits Times dẫn lời QRS Brands, công ty sở hữu và vận hành nhượng quyền thương mại chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh KFC tại Malaysia, cho biết công ty đã thực hiện các biện pháp chủ động tạm thời là đóng cửa các cửa hàng nhằm quản lý chi phí kinh doanh ngày càng tăng và tập trung nỗ lực vào các cửa hàng bận rộn hơn. Các biện pháp này được đưa ra nhằm giúp công ty “đối phó với điều kiện kinh tế đầy thách thức”.
Tuyên bố từ công ty cho biết: “Nhân viên từ các cửa hàng bị ảnh hưởng có cơ hội chuyển đến các cửa hàng vẫn đang hoạt động như một phần của chiến lược chiến thuật nhằm tối ưu hóa nguồn lực tại các khu thương mại có mức độ tương tác với khách hàng cao hơn”.
Hãng tin địa phương Nanyang Siang Pau tổng hợp thông tin dựa trên Google Maps cho thấy có tổng cộng 108 trong số 600 cửa hàng trên toàn quốc đang được tạm dừng hoạt động.
Bang Kelantan ở phía đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 80%, tương đương 21 cửa hàng, phải tạm dừng hoạt động, tiếp theo là 15 cửa hàng ở Johor. Selangor, bang công nghiệp hóa nhất ở Malaysia, có 11 chi nhánh tạm thời đóng cửa, 10 trong số đó nằm ở Shah Alam có đa số người Mã Lai.
Doanh nhân Amri Hasim đến từ Alor Setar ở Kedah, nơi 11 cửa hàng KFC tạm thời đóng cửa, cho biết kể từ khi cuộc tẩy chay bắt đầu, ông đã nhận được nhiều đơn xin việc từ các nhân viên của KFC trong khi các cửa hàng của KFC tại bang này đã giảm giờ hoạt động từ 24 giờ một ngày xuống còn 12 giờ.
Ông cho biết: “”Nhiều người nói với tôi rằng lương của họ bị cắt giảm một nửa. Mức lương cơ bản của họ là 1.500 RM (314 USD) một tháng và nếu làm thêm giờ, họ từng kiếm được khoảng 419 USD. Bây giờ tiền lương mang về nhà của họ là từ 125 đến 146 USD”.
Kể từ khi cuộc tẩy chay bắt đầu vào tháng 10/2023 sau khi Israel tấn công lực lượng Hamas, QRS Brands đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu của mình. Các biển hiệu trên bảng thực đơn và tờ rơi của hãng đều nhấn mạnh rằng các cửa hàng KFC tại Malaysia thuộc sở hữu của Johor Corporation, thuộc chính quyền bang Johor. Trang web của công ty cũng nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh của mình giúp cung cấp “cơ hội việc làm cho hơn 30.000 nhân viên, trong đó 86% là người Hồi giáo”.
Tuy nhiên, các động thái này không có hiệu quả lớn trong việc giúp hạ nhiệt làn sóng tẩy chay. Nhận định về tình hình kinh doanh của KFC tại Malaysia, Giáo sư Mohd Nazari Ismail, chủ tịch nhóm ủng hộ Palestine mang tên Boycott Divestment, Sanctions (BDS) của Malaysia, cho biết: “KFC không nằm trong danh sách các mục tiêu tẩy chay của BDS nhưng nhiều người Malaysia cho rằng bất kỳ nhà kinh doanh đồ ăn nhanh nào của Mỹ đều có liên quan đến Israel, bao gồm cả KFC”.
Trên thực tế, ngoài KFC, Starbucks cũng là một thương hiệu đồ uống có trụ sở tại Mỹ khác bị ảnh hưởng nặng nề tại thị trường Malaysia bởi làn sóng tẩy chay tới từ cáo buộc thương hiệu này có mối liên hệ với Israel. Berjaya Food, công ty sở hữu 400 cửa hàng Starbucks ở Malaysia, đã báo cáo khoản lỗ ròng 8,9 triệu USD từ tháng 10 đến tháng 12/2023.