KGB với đại án tham nhũng của Bộ Thủy sản Liên Xô

Năm 1979, trên tất cả các tờ báo của Liên Xô đều đăng bài viết về việc Bộ trưởng Bộ Thủy sản Liên Xô Alesandr Akimovich Ishkov nghỉ hưu. Vào thời kỳ đó, Liên Xô đứng ở vị trí thứ hai sau Nhật Bản về số lượng cá đánh bắt trên thế giới. A.Ishkov là một trong những Bộ trưởng đã tạo ra toàn bộ hệ thống của ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Liên Xô...

Những mưu kế che mắt chính quyền

Ông ta biết rằng những nhân viên bán cá đã làm giàu và không bị phạt khi được hưởng lợi từ sản lượng cá không đong đếm được. Sự thể là trên các con tàu đánh cá không phải lúc nào cũng cân đong được chính xác số lượng cá đã đánh bắt, ngay cả khi tàu chỉ bị rung nhẹ. Ngư dân đã cộng thêm số cân vào báo cáo được tính ngoài bến cảng. “Thà thừa còn hơn thiếu”- thực tế thì đây là điều mà các thuyền trưởng tàu cá đều nghĩ. Thậm chí có thể nói, đó là một quy tắc bất thành văn. Thật vậy, vào thời điểm đó, nếu đánh bắt thiếu họ có thể bị buộc tội ăn cắp tài sản XHCN và bị điều đến nơi xa trong một thời gian dài.

Ishkov hiểu rằng, số cá thừa ra mỗi ngày trong số một vài tấn không ghi vào bất cứ hóa đơn nào đã bị rò rỉ ngay dưới mũi ông ta và tiền thu được từ việc bán số cá này đã đi thẳng vào túi những người bán. Ishkov cũng muốn nguồn thu nhập khổng lồ từ việc bán số cá trên, bằng mọi cách phải chảy trực tiếp vào túi của mình. Nhưng để thực hiện một kế hoạch xảo trá, Ishkov phải thuyết phục được giao quyền hạn cho bộ phận của ông ta.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Liên Xô Alexei Ishkov.

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Liên Xô Alexei Ishkov.

Vào năm 1965, Ishkov đã hứa với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alecxey Kosygin rằng trong thời gian ngắn sẽ tăng gấp nhiều lần dòng tiền vào ngân sách đất nước, nếu như Bộ Thủy sản của ông được quyền giám sát việc bán sản phẩm. Viện dẫn là số chi phí do sự chậm trễ quan liêu đã cản trở Bộ Thương mại bán sản phẩm cá tươi cho người dân khiến cho nhu cầu bị giảm đi. Ông còn đề xuất được trực tiếp lãnh đạo bộ phận bán các sản phẩm cá (từng thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại thương và Nội thương) và Kosygin đã ủng hộ ý tưởng này.

Nhờ vào danh tiếng và sự kiên trì của mình, Ishkov được quyền lập ra những cửa hàng Okean (Đại Dương) đầu tiên thí điểm bán cá tại thành phố nghỉ mát Sochi, nơi chỉ trực thuộc Bộ Thủy sản. Đó là cửa hàng tự phục vụ đầu tiên ở Liên Xô, có thêm một quầy cà phê nhỏ và chế biến tại chỗ. Vì được giao trọng trách lớn trước đảng và được toàn thể quan chức Liên Xô đến thăm quan thành phố nghỉ dưỡng nên cửa hàng Đại Dương trở nên nổi tiếng khắp cả nước.

Tất nhiên, trong bối cảnh những cửa hàng xám xịt và buồn tẻ khi ấy thì cửa hàng Đại Dương đã gây được ấn tượng đối với khách hàng. Những trang thiết bị nhập khẩu mới, bàn cắt, nội thất kiểu mẫu phong cách trắng-xanh, thiết bị lựa thành phẩm chất lượng cao, các xe đẩy chuyên dụng và giá cả phải chăng - tất cả đã trở thành thương hiệu của cửa hàng Đại Dương và luôn tấp nập người mua.

Từ cửa hàng thí điểm ở Sochi, Chủ tịch HĐBT A.Kosygin đã phê duyệt việc xây dựng một mạng lưới cửa hàng Đại Dương toàn Liên bang, cũng như việc Bộ Thủy sản được quyền độc lập kinh doanh. Việc tạo lập chuỗi cửa hàng Đại Dương được giao cho Thứ trưởng Vladimir Rytov. Trong một thời gian ngắn, tại Liên Xô đã xây dựng hơn 150 cửa hàng Đại Dương theo phong cách đổi mới.

Thời đó, trứng cá muối được sánh ngang với vàng, là sản phẩm quan trọng của nhà nước và Liên Xô được xem là quốc gia độc quyền trong việc bán trứng cá muối. Mặt hàng này được xuất khẩu đi khắp thế giới đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Điều này diễn ra vào thời điểm chủ tịch KGB Yuri Andropov đã bí mật “tuyên chiến” với nạn tham nhũng trong toàn Liên bang.

Các chiêu trò để tham nhũng

Tổng giám đốc chuỗi cửa hàng cá Đại Dương là Fishman và người bạn là giám đốc một cửa hàng lớn ở Moscow là Feldman đã nhận được những khoản tiền lại quả lớn. Do lòng tham và sự đam mê cuộc sống xa hoa của họ mà KGB đã lần ra được dấu vết mờ ám của trứng cá muối. Việc buôn bán bất hợp pháp dù chỉ một hộp trứng cá đen cũng đã gây sốc cho giới lãnh đạo KGB tại Lubyanca.

Bên trong một cửa hàng cá theo phong cách mới.

Bên trong một cửa hàng cá theo phong cách mới.

Cơ sở cá số 238 là nơi xuất hàng cho chuỗi cửa hàng Đại Dương nằm dưới sự kiểm soát của Fishman-cấp dưới trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Thủy sản Rytov. Cơ sở chuyên biệt này chuyên bán các món hảo hạng cho nhu cầu của các quan chức cấp cao. Tất cả những sản phẩm được bán ở đó với giá rất rẻ, và Fisman đã lợi dụng điều này. Chỉ cần tăng giá những món hàng này đối với giới quý tộc Moscow và với tất cả những người có tiền là ông ta đã có trong tay số tiền lớn. Tất nhiên, những người bảo trợ cấp cao đều biết điều này và họ thường xuyên được nhận những ca-táp đầy tiền. Họ không nhận tiền trực tiếp, toàn bộ việc chuyển tiền diễn ra bí mật thông qua những kẻ giả danh.

Nhờ vào những người bảo trợ cấp cao cũng như trực tiếp từ Rytov mà tại chuỗi cửa hàng Đại Dương có 10% sản phẩm cá đông lạnh chính thức được “bỏ đi” với lý do hàng bị tan chảy, xuống cấp hoặc khô quắt. Hàng ngày một lượng tiền lớn từ việc bán số cá trên không có trên hóa đơn đã được chuyển đi. Ngoài ra, do việc chế biến thêm các thực phẩm ăn sẵn như bánh cá, bánh mì, bánh ngọt vv… tại quầy cà phê trong cửa hàng nên số tiền không tính vào doanh thu có thể lên tới 30%. Thậm chí với loại cá tầm khan hiếm nhất thường phải giải trình cũng không khiến cho Fishman bỏ qua những trò gian xảo tương tự.

Số tiền khổng lồ thừa sức chia cho toàn bộ chuỗi phân cấp. Rytov có nhiều tiền đến mức ông ta tưởng rằng mình đã có thể mua được tất cả mọi người và mọi thứ. Nhưng Fishman và Feldman cho rằng thế vẫn chưa đủ và họ quyết định bắt tay vào việc buôn lậu trứng cá muối ra nước ngoài, thông qua kẻ mạo danh là cựu tù nhân Fedor Padolyan là người đã nghĩ ra tất cả những kế hoạch khôn ngoan này.

Cửa hàng cá Đại Dương tại Sochi, năm 1979.

Cửa hàng cá Đại Dương tại Sochi, năm 1979.

Ban đầu, các chuyến hàng nhỏ trứng cá muối đựng trong những chiếc lọ con được chuyển qua bưu điện từ Moscow đến Odessa cho Podolyan. Toàn bộ cuộc “hành trình” chỉ mất 2-3 ngày nên không sợ trứng cá muối bị hỏng. Sau đó, Podolyan đã gửi các bưu kiện ra bến cảng và nhờ những thủy thủ quen biết, trứng cá muối sẽ được gửi ra nước ngoài. Tại đó chúng được đổi ra ngoại tệ để mua hàng hóa khan hiếm rồi chuyển ngược trở lại Odessa. Cũng theo cách thức đó, hàng hóa được gửi về Moscow và tại đây giá bị tăng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, đầu mối chính để tìm ra “Mafia Cá” lại bắt nguồn từ một sự cố hy hữu tại một cửa hàng Đại Dương ở Moscow. Có một cựu chiến binh sau giờ làm đã đến cửa hàng Đại Dương mua một lọ nhỏ cá sốt cà chua. Về nhà ông mở nắp và kinh ngạc bởi trong lọ lại là trứng cá đen. Cho rằng có sự nhầm lẫn, cựu chiến binh trung thực này đã cầm chiếc lọ trở lại cửa hàng và đưa cho nhân viên bán hàng xem trước mặt tất cả khách hàng. Ban quản lý đã cố gắng che đậy sự cố này. Nhưng thông tin này đã lan truyền rất nhanh và khắp Moscow người ta đổ xô đi mua lọ nước cá sốt cà chua với hy vọng nhận được thứ “vàng đen” chỉ có giá vài xu. Và đương nhiên một sự náo động như vậy ở Liên Xô đã thu hút sự chú ý của Cơ quan An ninh.

Fishman và Feldman, những kẻ trở nên rất giàu có đã cảm thấy điều bất ổn, bắt đầu bán tháo tài sản để rời khỏi đất nước và đến định cư ở phương Tây. Bọn họ bắt đầu mua ngoại tệ với số lượng rất lớn từ các nhà đầu cơ. Theo các “kênh” của mình, họ đã chuyển chúng vào các tài khoản giả danh tại các ngân hàng châu Âu, thông qua Tiệp Khắc để gửi đến Đức.

KGB vào cuộc

KGB bắt đầu chú ý đến hiện tượng mua ngoại tệ với số lượng lớn, bởi trong thời gian đó mọi giao dịch như vậy đều bị các nhân viên an ninh giám sát chặt chẽ. Những kẻ liên quan trong vụ án này ngay lập tức phải hợp tác điều tra bởi biết sẽ đối mặt với viễn cảnh đen tối. Bọn họ nhanh chóng kể về nguồn gốc của những món tiền lớn và khai ra tất cả những người có liên quan. Qua điều tra cho thấy trứng cá muối có trong lọ sốt cà chua vốn là sản phẩm của những kẻ đánh cá trộm được dành cho các nhà hàng ở Moscow, và việc chúng xuất hiện trong các cửa hàng là hoàn toàn tình cờ.

Xét xử vụ án “Mafia Cá”.

Xét xử vụ án “Mafia Cá”.

Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc nhất là chính ông Bộ trưởng Bộ Thủy sản Ishkov và Thứ trưởng Rytov cũng như nhiều quan chức khác từ các cấp quyền lực cao nhất đã tham gia vào kế hoạch phạm pháp này. Sau thông tin về sự vụ, đích thân Andropov lập tức vào cuộc. Trong vòng vài ngày, một nhóm gồm 120 điều tra viên liêm khiết và giàu kinh nghiệm được ông tin tưởng thuộc Văn phòng Công tố và KGB đã được tập hợp.

Trong quá trình thẩm vấn mới rõ rằng quy mô của vụ phạm pháp này đã bao trùm toàn bộ Liên Xô. Chỉ riêng tại Gruzia hơn 10 tấn trứng cá muối được gửi tới đây là của những kẻ chuyên đánh cá trộm. Vụ án hình sự “Mafia Cá” bắt đầu được triển khai rầm rộ với những tình tiết mới khi có sự dính líu của hàng trăm quan chức cấp cao khắp cả nước. Trong quá trình điều tra, họ đều ám chỉ Thứ trưởng Rytov là người tổ chức kế hoạch gian lận này.

Để làm nhẹ tình hình, ông Bộ trưởng bê bối do tham nhũng Ishkov được cho nghỉ hưu trong yên lặng. Thứ trưởng Bộ Thủy sản Rytov mặc dù đã tích cực hợp tác điều tra với hy vọng được giảm nhẹ án nhưng vẫn bị kết án tử hình trong thời gian rất ngắn. Và để không công khai vụ án và các chi tiết bổ sung, bản án này đã được thực thi ngay lập tức. Hai thuộc cấp của ông ta là Fishman và Feldman lĩnh án 12 năm tù. Sự vụ này đã đánh sập hoàn toàn chuỗi cửa hàng cá Đại Dương vào những năm 80.

“Vụ án Cá” là một trong những vụ đại án trong nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật Liên Xô khi ấy nhằm chống lại đại dịch tham nhũng bao trùm toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước, được coi là một trong những vụ tham ô và hối lộ lớn nhất ở Liên Xô, trong đó có khoảng 1.500 người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Bích Nguyễn/Công an nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kgb-voi-dai-an-tham-nhung-cua-bo-thuy-san-lien-xo/20201204091015734