Khả năng Fed giảm lãi suất trong năm 2024
Fed đang đối diện với sự cân bằng khó khăn. Nếu tốc độ nới lỏng chính sách quá chậm, đà tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng, ngược lại nới lỏng quá sớm sẽ khiến cuộc chiến chống lạm phát trở thành vô ích.
Trong năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất hai lần. Trong 10 năm tới, lạm phát và lãi suất được cho là sẽ bước vào giai đoạn mới, duy trì ở mức “cao hơn và lâu hơn”. Nếu mức lạm phát tương đối cao không biến động quá mức, ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu sẽ không quá nghiêm trọng.
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến gần đây, Giám đốc chiến lược đa dạng hóa tài sản của UOB Asset Management (UOBAM) Anthony Joseph Raza nhấn mạnh rằng ở mức độ nhất định, lạm phát thấp trong 10 năm qua là do việc cắt giảm đòn bẩy dài hạn sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của các yếu tố như quan hệ Mỹ-Trung tách rời, tình trạng biến đổi khí hậu và năng lực thích ứng với lãi suất cao trên toàn cầu ngày càng tăng, lạm phát trong những năm tới duy trì sức ép đi lên, các nhà đầu tư cần điều chỉnh phương thức ứng phó với thị trường và xây dựng danh mục đầu tư của mình.
Giám đốc Anthony Joseph Raza dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất hai lần vào năm tới. Đây là dự đoán tương đối thận trọng so với ước tính 5 lần giảm lãi suất của thị trường. Nhà phân tích trưởng James Knightley của ING cho rằng năm 2024, Fed có thể sẽ giảm lãi suất nhiều hơn 6 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản, tổng cộng khoảng 150 điểm cơ bản.
Cuộc họp cuối cùng của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) diễn ra từ ngày 12-13/12. FedWatch, công cụ quan sát Fed của CME Group cho thấy khả năng thể chế này sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% là 98,4%.
Nhà báo Nick Timiraos của tờ The Wall Street Journal, trong bài viết mới nhất của mình đã nhấn mạnh: “Tuần này, các quan chức Fed không có nhiều khả năng thảo luận nghiêm túc về thời điểm hạ lãi suất, trừ khi mức độ suy yếu kinh tế vượt quá dự báo, nếu không vấn đề này sẽ không được thảo luận nghiêm túc trong vài tháng tới”.
Hiện nay, Fed đang đối diện với sự cân bằng khó khăn. Một mặt nếu tốc độ nới lỏng chính sách quá chậm, nền kinh tế có thể sụp đổ dưới sức ép lãi suất tăng, mặt khác nếu nới lỏng chính sách quá sớm, cuộc chiến chống lạm phát 1,5 năm qua có thể trở thành vô ích.
Với triển vọng lãi suất giảm, Giám đốc Anthony Joseph Raza cho rằng “thời khắc khó khăn” của thị trường đã qua, đầu tư năm 2024 sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Những năm qua, kinh tế Mỹ luôn ứng phó với các rủi ro lạm phát cao, lãi suất tăng, hạ cánh cứng, tất cả những nhân tố gây trở ngại đầu tư này đều đang giảm bớt.
Về phương hướng đầu tư, Ngân hàng UOB cho rằng mặc dù lãi suất ngắn hạn hiện nay tương đối cao khiến đầu tư tiền gửi cố định có sức hấp dẫn hơn, nhưng nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục đầu tư. Do đó, triển vọng hiệu suất đầu tư cổ phiếu và trái phiếu vẫn lạc quan trong năm tới.
Ngoài ra, các lĩnh vực như năng lượng, nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, hàng hóa tiêu dùng chiến lược và chăm sóc sức khỏe cũng rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phải thích ứng với thực tế lạm phát tương đối cao trong dài hạn và thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục biến động trong ngắn hạn.
Giám đốc Anthony Joseph Raza nhấn mạnh: “Đối với cổ phiếu, chúng tôi ước tính có lợi nhuận từ 8-10%. Đối với nhiều trái phiếu doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư, ước tính lợi nhuận từ 5-6%. Chúng tôi cho rằng đây chính là hiệu suất lợi nhuận trong năm tới”.
Về phương diện khu vực, Ngân hàng UOB dự đoán châu Á và Nhật Bản có hiệu suất tốt trong năm tới, trong khi có thái độ trung lập đối với Mỹ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kha-nang-fed-giam-lai-suat-trong-nam-2024/317849.html