Khả năng gập người chạm ngón chân liên quan thế nào đến sức khỏe con người?

Gập người chạm ngón chân là động tác kéo giãn cơ vùng lưng dưới, gân kheo, bắp chân cũng như cột sống.

Đối với hầu hết mọi người, động tác này khá đơn giản. Nhưng khi ta già đi và hoàn cảnh sống gặp nhiều khó khăn, khả năng gập người chạm ngón chân sẽ suy yếu. Tuy nhiên, chuyên gia vật lý trị liệu Alex Corbett (Đại học Exeter) chỉ ra có một số cách giúp duy trì độ linh hoạt.

Khả năng gập người chạm ngón chân biểu thị điều gì về sức khỏe?

Nhiều người tin rằng chạm được ngón chân là tiêu chuẩn vàng của độ linh hoạt. Nhưng theo chuyên gia Corbett thì điều này chỉ chứng tỏ gân kheo cùng lưng dưới linh hoạt ở mức vừa phải. Bắp chân và cột sống phải linh hoạt thì mới thực hiện được động tác này.

Bác sĩ vật lý trị liệu Landon Uetz cho biết việc không thể chạm ngón chân chẳng phải dấu hiệu tình trạng nghiêm trọng nào cả, đặc biệt là ở người vốn chẳng linh hoạt.

“Nếu không đau lúc thực hiện gập người, ta hoàn toàn có thể cải thiện độ linh hoạt thông qua tập thể dục. Tôi không coi đây là điều bắt buộc để duy trì sức khỏe”, theo bác sĩ Uetz.

Chuyên gia Corbett lưu ý sự linh hoạt chỉ đại diện cho độ năng động (tốt cho sức khỏe tim mạch, lượng cơ lẫn sức khỏe tổng thể), việc tập trung tăng độ năng động thay vì chỉ chú trọng độ linh hoạt sẽ có lợi hơn. Hơn nữa, năng động hơn cũng có khả năng trở nên dẻo dai hơn.

Độ linh hoạt rất quan trọng

Nếu duy trì được độ linh hoạt, khi lớn tuổi, ta vẫn có thể thực hiện được các động tác như: Nâng hành lý qua đầu, đứng dậy khỏi mặt đất hay quay lại lấy đồ ở ghế sau ô tô.

“Thiếu linh hoạt không liên quan đến sức khỏe trực tiếp, nhưng có thể báo hiệu vấn đề sức khỏe khác như bệnh mãn tính hay lối sống ít vận động”, theo bác sĩ Uetz.

Bác sĩ y học thể thao Yash Mehta cho biết thêm độ linh hoạt làm giảm nguy cơ té ngã cũng như cải thiện khả năng định vị không gian.

Nếu bạn muốn duy trì độ linh hoạt, có một số động tác sẽ rất hữu ích. Đầu tiên là động tác giãn gân kheo: người đứng thẳng, một chân duỗi thẳng và trượt cánh tay xuống chân còn lại cho đến khi cảm thấy gân kheo (phía sau đùi) căng ra. Mỗi bên chân hãy tập 8 - 15 lần/hiệp.

Thứ hai là động tác vung chân: người đứng thẳng, một chân làm trụ rồi vung chân còn lại sang phía ngược lại để kéo giãn gân kheo và cơ gấp hông. Mỗi bên chân cũng tập 8 - 15 lần/hiệp.

Nếu có dây kháng lực, hãy nằm ngửa và nâng một chân lên. Giữ tư thế này trong 30 - 60 giây.

Ta có thể thực hiện động tác tương tự ở tư thế đứng: đặt một chân lên xà ngang và cố gắng đặt tay đến ngón chân.

Một động tác nữa là một chân đặt trên bậc thang và một chân duỗi thẳng, ép người lên phía trước để kéo giãn gân kheo.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kha-nang-gap-nguoi-cham-ngon-chan-lien-quan-the-nao-den-suc-khoe-con-nguoi-226725.html