Khả năng Liên minh châu Âu họp khẩn về khủng hoảng năng lượng

Công nhân điều chỉnh hệ thống nước của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta (Hungary). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các hãng tin AFPReuters, ngày 26/8, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết Cộng hòa Czech - nước hiện đảm nhận cương trị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - sẽ đề xuất triệu tập cuộc họp khẩn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Trên trang Twitter, Thủ tướng Fiala nêu rõ Czech "sẽ triệu tập cuộc họp khẩn của bộ trưởng năng lượng (các nước EU) để thảo luận về các biện pháp khẩn cấp cụ thể nhằm giải quyết tình hình năng lượng này”. Cuộc họp này nhận được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Cũng trên trang Twitter, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Czech Jozef Sikela cho biết Hội đồng Năng lượng EU sẽ nhóm họp "vào thời điểm sớm nhất có thể." Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong cuộc chiến năng lượng với Nga và nó đang gây tổn hại cho toàn bộ EU",

Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU đang cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt của Nga sau khi Moscow thực hiện chiến dịch ở Ukraine. Nguồn cung giảm và sự lo lắng về tương lai đã khiến giá năng lượng trên khắp châu Âu tăng vọt.

Trong khi đó, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng lại phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nguồn điện hạt nhân của Pháp, với cả hai đều thiếu hụt, khiến nước này đối mặt với tình trạng thiếu điện và thậm chí mất điện vào mùa đông này.

Với hàng trăm nhà máy thủy điện trải dài trên dãy núi Alps, Thụy Sĩ sản xuất đủ điện năng trong mùa Hè này. Tuy nhiên, quốc gia không giáp biển này buộc phải chuyển sang nhập khẩu khi thời tiết giá lạnh bắt đầu.

Điều này thường không phải là vấn đề, nhưng năm nay, với cuộc xung đột ở Ukraine và việc Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho phần lớn châu Âu, mối đe dọa về tình trạng thiếu điện trầm trọng ngày càng rõ ràng.

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang cảm thấy như “ngồi trên đống lửa,” tình hình đặc biệt bấp bênh ở Thụy Sĩ, quốc gia thiếu các cơ sở lưu trữ khí đốt cho riêng mình. Thụy Sĩ đã và đang làm việc để xây dựng các hệ thống sản xuất và lưu trữ năng lượng, nhưng ngay cả việc khai trương một nhà máy thủy điện tích năng vào tháng tới cũng không thể giúp tránh được các vấn đề trong mùa Đông năm nay.

Ba Lan và Slovakia ngày 26/8 đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới nối hai quốc gia trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước. Hệ thống đường ống mới sẽ cho phép đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Cụ thể, giá khí đốt bán buôn trên thị trường châu Âu ngày 25/8 đã vượt mức 300 euro/MWh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của việc giá khí đốt ngày càng tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Việc xây dựng hệ thống đường ống mới nói trên, với tổng chiều dài 164km và do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính, được khởi công từ năm 2018 và ban đầu được dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2021.

Đây là hệ thống đường ống dẫn khí đốt hai chiều Ba Lan - Slovakia và ngược lại, với một đầu tại Đông Nam Ba Lan và đầu còn lại là trạm nén Velke Kapusany tại Đông Slovakia, là nơi đường ống trung chuyển khí đốt từ Ukraine tới Tây Âu. Công suất của hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới này ở nhiệt độ 20 độ C đạt 5,1 tỉ mét khối khí/năm theo chiều từ Ba Lan tới Slovakia và 6,1 tỉ mét khối nguyên liệu thô/năm theo chiều ngược lại.

Trong diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Hungary (HAEA) ngày 26/8 đã cấp giấy phép mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, cơ sở hạt nhân nằm cách thủ đô Budapest khoảng 120 km về phía đông.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết dự án mở rộng đòi hỏi Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga phải xây mới 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Paks.

Các chuyên gia Hungary và quốc tế đã kiểm tra dự án trong suốt 2 năm qua và quyết định cấp phép sẽ tạo điều kiện cho dự án nhà nước nói trên có thể chuyển từ trạng thái “chuẩn bị” sang trạng thái “xây dựng trên thực tế”.

Các lò phản ứng mới sẽ do Rosatom xây dựng theo một thỏa thuận liên chính phủ được Hungary và Nga ký kết từ năm 2014. Tuy nhiên, dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks trên thực tế đã bị chậm tiến độ.

Bộ trưởng Szijjarto khẳng định dự án mở rộng Paks với 2 tổ hợp mới sẽ phục vụ cho lợi ích lâu dài của Hungary. Quan chức Hungary dẫn chứng thực tế cho thấy các quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân có thể bảo đảm được công tác cung cấp năng lượng, bởi năng lượng hạt nhân có thể được sản xuất với sản lượng lớn theo mức giá không chịu tác động từ những biến động của của thị trường năng lượng châu Âu hoặc quốc tế.

Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh Chính phủ Hungary coi quyết định mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks là một biện pháp đảm bảo cho an ninh năng lượng lâu dài của quốc gia Trung Âu này.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/284364/kha-nang-lien-minh-chau-au-hop-khan-ve-khung-hoang-nang-luong.html