Khả năng NATO đặt căn cứ trinh sát tại biên giới phía Đông của Phần Lan

Việc tích hợp các UAV trinh sát như RQ-4 Global Hawk, MQ-9 Reaper, hay RQ-4D sẽ tăng cường khả năng phát hiện và giám sát của NATO trong khu vực chiến lược dọc biên giới phía Đông của Phần Lan.

Phần Lan đã mời NATO triển khai một căn cứ máy bay không người lái (UAV/drone) trinh sát trên lãnh thổ của mình để thu thập thông tin dọc biên giới phía Đông của đất nước, Đài truyền hình công cộng YLE đưa tin hôm 8/11.

Sáng kiến này nhấn mạnh khả năng NATO thiết lập cơ sở hạ tầng giám sát mới gần sườn Đông của liên minh, theo đó mở ra một căn cứ tiên tiến cho các hoạt động trinh sát ở một khu vực ngày càng nhạy cảm.

Phần Lan – quốc gia thành viên NATO thứ 31 – hiện có 4 căn cứ không quân do Không quân Phần Lan quản lý, trong đó căn cứ Pirkkala nổi lên là lựa chọn ưu tiên để thiết lập trung tâm UAV trinh sát này.

UAV RQ-4D Phoenix của NATO tại căn cứ ở Sigonella, Italy. Ảnh: NATO website

UAV RQ-4D Phoenix của NATO tại căn cứ ở Sigonella, Italy. Ảnh: NATO website

Vị trí của căn cứ Pirkkala, kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện có, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để đồn trú các UAV trinh sát cỡ lớn của NATO phù hợp cho các nhiệm vụ giám sát cả tầm xa lẫn tầm gần trong môi trường Bắc Âu, bao gồm RQ-4 Global Hawk, MQ-9 Reaper, ScanEagle hoặc RQ-21 Blackjack.

Những mẫu drone này có khả năng tiến hành các hoạt động giám sát liên tục dọc theo biên giới phía Đông của Phần Lan, nơi các hoạt động quân sự và căng thẳng địa chính trị đã leo thang trong những năm gần đây.

Theo báo Iltalehti của Phần Lan, căn cứ này dự kiến sẽ chứa UAV RQ-4D. Theo thông tin trên trang web của NATO, những máy bay không người lái như vậy có thể bay ở độ cao 18 km và rất khó bị phát hiện.

Việc tích hợp các UAV trinh sát sẽ tăng cường khả năng phát hiện và giám sát của NATO trong khu vực chiến lược này.

Hiện tại, máy bay không người lái trinh sát của NATO có trụ sở tại Italy thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ trong không phận Phần Lan.

Ví dụ, vào tháng 8, một chiếc RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ đã tiến hành một hoạt động giám sát trong không phận Phần Lan, bay qua khu vực biên giới và thực hiện các nhiệm vụ quan sát hướng tới Murmansk, Nga. Máy bay không người lái chiến lược này đã thực hiện một số vòng bay trên khu vực này như một phần của nhiệm vụ quan sát quan trọng.

Đề xuất đặt căn cứ UAV ở Phần Lan phù hợp với mục tiêu rộng hơn của NATO là tăng cường sự hiện diện và khả năng giám sát của liên minh này ở Bắc Âu. Vị trí gần Nga của Phần Lan khiến nơi đây trở thành địa điểm chiến lược đối với liên minh này, vốn cần một địa điểm cố định để từ đó các drone trinh sát thực hiện các nhiệm vụ dài ngày và giải quyết các mối lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng trong khu vực.

Các cuộc thảo luận về việc thành lập một căn cứ máy bay không người lái ở Phần Lan vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ. Tuy nhiên, đề xuất này cho thấy sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn của Phần Lan với NATO trong việc giám sát biên giới phía Đông của mình.

Dòng thời gian của dự án cho thấy quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào năm tới. Nếu căn cứ được thành lập tại Phần Lan, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng thu thập thông tin tình báo của NATO ở Bắc Âu.

Trước đó, vào ngày 27/9, thành phố Mikkeli của Phần Lan đã chính thức được NATO chọn để đặt sở chỉ huy bộ binh Bắc Âu. Thành phố này vốn là nơi đặt trụ sở của các lực lượng vũ trang Phần Lan, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa các lực lượng Phần Lan và NATO.

Năm tới, với quyết định cuối cùng về vị trí của căn cứ UAV trinh sát và việc ra mắt trụ sở tại Mikkeli, Phần Lan dự kiến sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược quốc phòng và tình báo của NATO ở Đông Âu rộng lớn hơn.

Những sáng kiến này đại diện cho sự thay đổi lớn trong địa chính trị của khu vực, với những tác động lâu dài đối với an ninh và hợp tác quân sự giữa Phần Lan, NATO và các đồng minh châu Âu của mình.

Minh Đức (Theo Army Recognition, TASS)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kha-nang-nato-dat-can-cu-trinh-sat-tai-bien-gioi-phia-dong-cua-phan-lan-20424111020354609.htm