Kha Sơn - đất Anh hùng trên đường đổi mới

78 năm đã trôi qua kể từ khi xã Kha Sơn (Phú Bình) được chọn là an toàn khu thứ 2 (ATK2), nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên.

78 năm đã trôi qua kể từ khi xã Kha Sơn (Phú Bình) được chọn là an toàn khu thứ 2 (ATK2), nơi hoạt động của các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực vươn lên.

Một tiết mục văn nghệ tại Hội xuân truyền thống xã Kha Sơn.

Một tiết mục văn nghệ tại Hội xuân truyền thống xã Kha Sơn.

Thời gian chầm chậm trôi đi nhưng miền đất Kha Sơn còn lưu lại bao dấu tích tự hào. Đó là các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ, chùa Làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, nền nhà ông Cao Nhật, rừng Mấn và rừng Rác.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Kha Sơn đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến… Xã đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Viết tiếp những trang sử hào hùng của địa phương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kha Sơn đã phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Đặc biệt là từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thì đời sống của bà con trong xã đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng; 100% xóm có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi.

Đến nay, nhiều tuyến đường được mở rộng do cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện hiến đất. Hằng năm, xã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay, tạo thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Bình, xóm Mai Kha, chia sẻ: Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đồng thuận của nhân dân, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang và đổ bê tông tất cả các tuyến đường.

Cùng với Mai Kha, 15 xóm còn lại của Kha Sơn cũng có những sự đổi thay rõ rệt. Đời sống người dân đã từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân đạt 65 triệu đồng/người/năm (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,38%... Trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm Non đều đạt chuẩn quốc gia.

Di tích lịch sử chùa Làng Ca.

Di tích lịch sử chùa Làng Ca.

Các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn xã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo, hình thành một quần thể di tích lịch sử khang trang ghi lại mốc son lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của ông cha.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Kha Sơn tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trên địa bàn xã có chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty May Hà Sơn và Hợp tác xã làng nghề mộc mỹ nghệ ở xóm Phú Lâm, thu hút hàng nghìn lao động. Các ngành nghề dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp khác cũng đang trên đà phát triển.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của xã được thực hiện đồng bộ. Đảng bộ xã có 388 đảng viên sinh hoạt tại 20 chi bộ. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc... Các tổ chức đoàn thể vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức xây dựng xã Kha Sơn cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 5 vào năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn, cho biết: Có được kết quả này là nhờ sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã. Phát huy truyền thống cách mạng, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Kha Sơn luôn phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202303/kha-son-dat-anh-hung-tren-duong-doi-moi-cfc0fe1/