Khác biệt chiến lược giữa Mỹ và Israel sau đòn giáng vào Iran
Sau các cuộc không kích cuối tháng 6, Mỹ và Israel cho thấy có những cách tiếp cận khác nhau đối với Iran, phản ánh khác biệt chiến lược giữa hai đồng minh thân cận.
Gặp nhau hôm 7-7 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu cùng thể hiện sự đồng thuận sau loạt không kích vào ba cơ sở hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, phía sau màn thể hiện đoàn kết ấy là những khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận về mục tiêu lâu dài của Mỹ và Israel với Iran, cũng như tại Dải Gaza và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Bên chọn đánh, bên hướng ngoại giao
Cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi kết quả của các cuộc không kích vào Iran hồi tháng trước, cho rằng chúng đã khiến chương trình hạt nhân của Tehran, mà Mỹ và Israel cho là nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân, bị gián đoạn.
Tuy nhiên, theo giới ngoại giao, đánh giá tình báo hiện tại cho thấy Iran vẫn giữ được một lượng uranium làm giàu và hoàn toàn có khả năng tái xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là chiến thắng của Washington và Tel Aviv hiện tại chỉ mang tính tạm thời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 8-7. Ảnh: Avi Ohayon/GPO
Điểm khác biệt nằm ở phương pháp gây áp lực tiếp theo. Ông Trump ưu tiên con đường ngoại giao, với mục tiêu hạn chế là đảm bảo Iran không thể phát triển vũ khí hạt nhân - điều mà Tehran luôn bác bỏ.
Ngược lại, ông Netanyahu muốn sử dụng biện pháp cứng rắn hơn, sẵn sàng gây sức ép dồn dập lên Tehran, buộc nước này phải từ bỏ hoàn toàn chương trình làm giàu uranium - điều Israel coi là mối đe dọa sống còn.
Giới chức Israel không hài lòng khi Washington dự kiến khởi động lại đàm phán hạt nhân với Tehran tại Na Uy trong tuần này - đây sẽ là động thái ngoại giao đầu tiên kể từ sau các cuộc tấn công hồi cuối tháng 6. Ông Netanyahu phản đối bất kỳ hành động nào có thể giúp Iran giành lại đòn bẩy chính trị và kinh tế.
Sự khác biệt này cũng có thể nhìn thấy trong cách tiếp cận vấn đề Dải Gaza. Trong khi ông Trump muốn đạt được một lệnh ngừng bắn mới giữa Israel và lực lượng Hamas, với mong muốn ghi dấu ấn là “người kiến tạo hòa bình toàn cầu”, thì ông Netanyahu dù công khai ủng hộ đàm phán song lại kiên quyết theo đuổi mục tiêu "xóa sổ hoàn toàn Hamas". Israel yêu cầu trục xuất toàn bộ ban lãnh đạo Hamas còn lại, thậm chí đề xuất đưa họ sang Algeria, vốn đã bị Hamas thẳng thừng bác bỏ. Hai bên hiện vẫn còn cách xa nhau giữa một lệnh ngừng bắn tạm thời và một giải pháp hòa bình bền vững.
Mô hình Libya
Theo nguồn tin thân cận với ông Netanyahu, Israel muốn Iran đi theo “mô hình Libya”, tức là phải dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa, từ bỏ mọi hoạt động làm giàu uranium, kể cả phục vụ dân sự, dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Nhiều ý kiến từ phương Tây và khu vực nhận xét rằng Israel đang theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn thay vì đàm phán.

Cơ sở hạt nhân Fordow của Iran. Ảnh: GOOGLE EARTH
Ông Netanyahu hiểu rằng để tiếp tục các chiến dịch quân sự nhằm buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, ông cần ít nhất một cái gật đầu từ Nhà Trắng.
Về phần mình, ông Trump lại có mục tiêu khác. Sau các đòn không kích hồi tháng 6, ông Trump nhìn thấy cơ hội tạo nên một đột phá ngoại giao – điều mà ông từng ấp ủ là khôi phục quan hệ với Iran. Trong một tuyên bố hôm 7-7, ông Trump nói muốn “dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran trong tương lai”.
Cùng ngày, Tổng thống Iran - ông Masoud Pezeshkian đăng trên mạng xã hội X cho biết Lãnh tụ tối cao Iran - ông Ali Khamenei không phản đối việc các nhà đầu tư Mỹ đến Iran, nếu họ tuân thủ luật pháp và hoạt động minh bạch. Giới quan sát cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Tehran đang cân nhắc yếu tố kinh tế trong bất kỳ thỏa thuận nào.
Tuy nhiên, theo giới chức phương Tây và khu vực, Iran đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân, họ có thể tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công; nhưng nếu từ bỏ, chính quyền lại đối mặt nguy cơ bị suy giảm uy tín trong nước. Tình thế này có thể khiến Tehran tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán mà không đưa ra cam kết rõ ràng.
Nếu không đạt được thỏa thuận, Israel đã chuẩn bị phương án “kiềm chế dài hạn” bằng cách tiếp tục không kích định kỳ, nhằm ngăn chặn Iran phục hồi năng lực hạt nhân, theo Reuters.
Sau cuộc không kích nhằm vào Iran, Israel muốn khẳng định lại vị thế là cường quốc quân sự vượt trội trong khu vực, đồng thời cho thấy họ sẵn sàng sử dụng vũ lực một cách chính xác, quyết đoán và hầu như không vấp phải sự đáp trả đáng kể.
Mỹ, trong khi đó, chọn cách giữ thế “nước đôi”. Dù vẫn cung cấp vũ khí tiên tiến cho Israel, Washington chủ trương dùng áp lực kinh tế và đòn bẩy ngoại giao để buộc Iran nhượng bộ. Theo các nhà ngoại giao, điều này dẫn đến một thế đối đầu mong manh, thiếu một lối thoát rõ ràng.
Nguồn tin thân cận ông Netanyahu cho biết ông đang thấy đây là “cơ hội chiến lược ngắn ngủi” cần tận dụng ngay. Israel xem đây là thời điểm then chốt để duy trì lợi thế quân sự, trước khi Tehran có thể tái thiết và củng cố lại lực lượng.
Với ông Netanyahu, đây không phải là câu chuyện kết thúc. Mà là cuộc chiến còn dang dở - một nhiệm vụ chiến lược, mang tính sống còn.